Doanh nghiệp muốn bền vững thì không nên bán dữ liệu của khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Muốn doanh nghiệp phát triển, khi quản trị dữ liệu khách hàng cần có đạo đức dữ liệu, không lấy dữ liệu khách hàng của mình để hại chính khách hàng của mình.

Theo một nghiên cứu mới đây của Hãng bảo mật Kaspersky tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), cho thấy việc mất hoặc lộ thông tin của công ty và khách hàng do vi phạm dữ liệu là vấn đề đau đầu đối với các công ty. Cụ thể, có tới 59% số người được hỏi từ các tổ chức thuộc mọi quy mô coi đây là vấn đề nhiều thách thức nhất liên quan đến bảo mật công nghệ thông tin (CNTT). Đặc biệt rò rỉ dữ liệu từ các hệ thống nội bộ do các cuộc tấn công mạng (29%), do nhân viên (25%) được xem là những thách thức bảo mật đáng lo ngại nhất của các doanh nghiệp (DN).

Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số

Trong đánh giá của nhiều DN, dữ liệu là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển lẫn tiến trình chuyển đổi số (CĐS) của DN.

Chia sẻ tại Diễn đàn Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia: Kiến tạo giá trị từ Chiến lược Dữ liệu trong kỷ nguyên AI, diễn ra tại Hà Nội ngày 5-7, ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam cũng nhìn nhận, để CĐS thành công thì chúng ta phải xây dựng được nguồn dữ liệu. Đây là một tài sản vô hình nhưng rất quý giá của các DN.

Dẫu vậy, việc sử dụng dữ liệu đã và đang đặt ra thách thức cho những đơn vị đã, đang và sẽ thực hiện CĐS, về cách quản trị dữ liệu và sử dụng dữ liệu hiệu quả.

Muốn bảo vệ dữ liệu thành công: Đừng bán dữ liệu

Trước vấn đề này, trao đổi với PLO, ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ (CTO) MoMo nhìn nhận dữ liệu và cách sử dụng, quản trị dữ liệu đóng vai trò quan trọng tiến trình CĐS.

Dẫn một ví dụ tại doanh nghiệp của mình, ông Hùng cho biết: Hiện chúng tôi dùng dữ liệu để nắm bắt được nhu cầu khách hàng trước khi nhu cầu đó diễn ra. Đơn cử như khi khách hàng vừa mở ứng dụng và chưa làm gì hết thì chúng tôi đã đoán được khách hàng định làm gì và chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất để trải nghiệm của khách hàng trở nên mượt mà hơn.

Dẫu vậy, theo vị CTO này, để quản trị nguồn dữ liệu tốt hơn, thì doanh nghiệp, người quản lý, người làm dữ liệu phải luôn luôn ghi nhớ đạo đức dữ liệu.

“Tức là chúng ta không dùng dữ liệu khách hàng chính mình để làm hại chính khách hàng của mình, phải bảo vệ dữ liệu như là tài sản của công ty, như niềm tin của khách hàng đang dành cho mình. Tại MoMo, chúng tôi phải thiết kế hệ thống bảo vệ nhiều lớp, trong đó gồm có công nghệ, hệ thống giáo dục con người lẫn quy trình chính xác. Đây là yếu tố quan trọng để không phụ lại lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp”- ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Giám đốc công nghệ Thái Trí Hùng cũng cho rằng, khi sử dụng dữ liệu cần phải luôn tỉnh táo, và hiểu rằng dữ liệu cung cấp nhiều manh mối nhưng không phải cái nào cũng chính xác.

“Chúng ta phải luôn đặt câu hỏi và nghi ngờ với tất cả những dữ liệu chúng ta có, đó là cách để thành công trong việc sử dụng dữ liệu. Chưa kể, dù ví von dữ liệu là dầu mỏ hay vàng, kim cương thì quan trọng là dữ liệu phải giúp mình đi chính xác đến đâu.

Chúng ta phải biết chính xác chúng ta muốn cái gì, theo đuổi mục tiêu nào, và không bao giờ được phép quên chuyện đó, đặc biệt là với đội ngũ làm công nghệ. Dù là dữ liệu hay công nghệ thì cần phải hiểu đó không phải là mục tiêu hướng đến mà phải là công cụ để phục vụ mục tiêu”, ông Hùng nói và nhấn mạnh một công nghệ mà không làm cho người dùng hạnh phúc hơn, đi ngược lại với mục tiêu mình đang theo đuổi, thì đó không còn là một công nghệ tốt nữa.

Đọc thêm