Tại Hội nghị quốc tế COP26, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ cùng nhiều quốc gia đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngay sau COP26, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam.
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần thực hiện cam kết này. Theo đó, thời gian qua, nhiều DN đã chuyển sản xuất theo hướng ít phát thải hay phát thải carbon thấp.
Nhiều giải pháp từ DN
Bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được xác định là một trong những vấn đề quan trọng, cốt lỗi của các DN.
Tại tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn - từ thực tế đến chính sách” do Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến net zero carbon (GREEN MEDIA HUB) phối hợp với báo TN&MT tổ chức ngày 27-11, các DN đã chia sẻ nhiều giải pháp đã được áp dụng nhằm phát triển bền vững. Cụ thể là chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nguyên vật liệu và sản phẩm, bán ra thị trường và thải rác ra môi trường) sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững Heineken Việt Nam, chia sẻ Heineken Việt Nam thực hiện từ những việc nhỏ như chương trình “văn phòng xanh” kêu gọi phân loại rác, hạn chế sử dụng nhựa một lần, lập trạm mượn ly và hộp đựng thức ăn cho nhân viên khi cần mua cà phê, trà sữa và thức ăn từ bên ngoài mang vào văn phòng.
Ngoài ra, tất cả bao bì sản phẩm của Heineken Việt Nam đều có thể tái chế. Hơn 98% két nhựa được thu hồi và tái sử dụng từ năm đến hơn 10 năm, 97% chai thủy tinh được tái sử dụng đến hơn 30 lần, lon nhôm được sản xuất với 40% nguyên liệu nhôm tái chế và 100% nguyên liệu giấy tái chế được dùng để sản xuất thùng carton.
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, thông tin Nestlé tập trung vào các nhóm giải pháp về giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp bền vững. Từ đó xây dựng hệ thống thực phẩm tái sinh, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững, giải quyết vấn đề BĐKH, tăng cường sinh kế và đa dạng sinh học.
“Các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong hai năm (2021 và 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng” - ông Hưng nói.
Chuyển đổi xanh là tất yếu
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT), đánh giá vai trò của các DN trong việc giảm phát thải là rất quan trọng.
“Hiện nay, chúng tôi coi việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của các DN, nếu chúng ta không thực hiện các quy định về tuần hoàn thì chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi” - ông Thọ nói.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không phải chỉ một vấn đề môi trường mà nó còn là cả một thời đại kinh tế, thời đại chuyển đổi bắt buộc, đặc biệt là báo cáo về phát thải, chỉ số carbon.
“Trong tương lai rất gần tôi nghĩ khi niêm yết trên sàn, bên cạnh báo cáo tài chính, các DN sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình. Báo cáo về phát thải nhà kính cần là một bản báo cáo bắt buộc công bố định kỳ bên cạnh bản báo cáo tài chính” - ông Nghĩa nói.
TS Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT, cũng đánh giá DN sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới net zero và thị trường carbon. Về mặt vĩ mô, DN giảm phát thải, tham gia thị trường carbon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Đồng thời trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ loài người trước tác động của BĐKH.
Về những mặt lợi trực tiếp mà DN có được là tham gia thị trường carbon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của DN. Qua đó giúp DN có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm.•
Cách vận hành thị trường tín chỉ carbon
Liên quan mua bán, giao dịch tín chỉ carbon thích ứng với các hoạt động thích ứng về BĐKH hiện nay, TS Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT, chia sẻ: Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục. Tuy nhiên, ở mỗi một quốc gia, mỗi khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.
Cụ thể, đầu tiên về thời gian triển khai thực hiện, thị trường carbon của Liên minh châu Âu là được hình thành sớm nhất trên thế giới vào năm 2005, đến nay đã trải qua năm giai đoạn.
Kế tiếp là thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và đã trải qua ba giai đoạn. Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ tháng 4-2023.
Về cách thức vận hành, thị trường carbon trên thế giới đang vận hành theo ba hình thức gồm bắt buộc, tự nguyện, tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris.