Trước diễn biến cơn bão số 3, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 và mưa lớn tại một số đơn vị, khu vực trọng điểm vùng Cẩm Phả và Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh.
Tại các nơi kiểm tra, ông Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc TKV và ông Nguyễn Huy Nam, Phó Tổng giám đốc TKV, yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão, mưa lớn của đơn vị, thực hiện nghiêm túc theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” theo đúng phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng.
Các đơn vị có vận tải thủy kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện và thông báo yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có gió giật mạnh; neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão bảo đảm an toàn cho phương tiện và tài sản, hàng hóa; thực hiện gia cố, chằng chống chắc chắn các thiết bị, kho dự trữ, nhà cửa, tài sản, nhất là các thiết bị có chiều cao lớn tại khu vực cảng biển.
Kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Công ty CP Than Hà Tu, Quang Hanh, Dương Huy, lãnh đạo TKV yêu cầu các đơn vị huy động tối đa các hệ thống bơm hoạt động liên tục để bơm hạ nhanh mực nước moong và bố trí bơm dự phòng để bơm thoát nước nhanh nhất khi mưa lớn kéo dài, lượng nước xuống moong nhiều, không để ảnh hưởng đến sản xuất hầm lò...
Tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), các đơn vị cũng đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 3 ở các cơ sở, công trình khí của PV GAS trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở những vùng dự báo bị ảnh hưởng mạnh của bão khu vực phía Bắc.
Lãnh đạo PV GAS yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến, đường đi của bão, duy trì trực chỉ huy 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời ứng phó; kích hoạt ngay kế hoạch, quy trình ứng phó với bão gần; triển khai các phương án phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của đơn vị.
Các đơn vị có biện pháp sơ tán người, vật tư trên tàu, phương tiện vận chuyển LPG/CNG/LNG đến nơi an toàn,... Chi nhánh khí Hải Phòng có những vị trí có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão, đều khẳng định đã triển khai khẩn trương các phương án phòng, chống thiên tai dựa trên nguyên tắc 4 tại chỗ để chuẩn bị ứng phó.
Các đơn vị trực thuộc và thành viên PV GAS khu vực kho Đình Vũ, Hải Phòng, Hàm Rồng – Thái Bình, Hà Nội, và các tỉnh phía Bắc, miền Trung đang theo dõi diễn biến, đường đi của bão; trao đổi và cập nhật thông tin phòng chống bão, sẵn sàng hỗ trợ trong PV GAS cũng như các đơn vị ngoài PV GAS.
Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN và ông Đinh Thế Phúc, Thành viên HĐTV EVN đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 của Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) và Công ty Điện lực Hải Phòng. Trước khi làm việc với PC Quảng Ninh, đoàn công tác của EVN cũng đã đến kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 3 tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương.
Ông Ngô Sơn Hải và ông Đinh Thế Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bão số 3 của các đơn vị. Dù vậy, qua kiểm tra thực tế một số trạm biến áp 110kV có nguy cơ về sạt lở, ngập nước, ông Ngô Sơn Hải yêu cầu đơn vị có giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình.
PC Quảng Ninh tiếp tục chủ động sẵn sàng mọi điều kiện để kịp thời ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra, không chủ quan, lơ là, chú ý đảm bảo các điều kiện an toàn khi làm việc trong điều kiện mưa lũ; Tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp 110kV không người trực vận hành tại chỗ; trực xử lý sự cố lưới điện các địa bàn vùng sâu, vùng xa nguy cơ chia cắt bởi nước lũ, sạt lở đất gián đoạn giao thông.
Tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc EVNNPT và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 tại Truyền tải điện Đông Bắc 1, Truyền tải điện Đông Bắc 2 và Truyền tải điện Ninh Bình.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại trạm biến áp 220kV Quảng Ninh, trạm biến áp 500kV Quảng Ninh, đường dây 220kV Quảng Ninh – Cẩm Phả, trạm biến áp 220kV Đình Vũ,...
Ông Phạm Lê Phú yêu cầu cán bộ nhân viên các trạm biến áp chặt tỉa cây để đảm bảo an toàn khi có giông lốc; Chủ động kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước, chạy thử hệ thống bơm nước cưỡng bức ở những trạm có nguy cơ ngập úng, phòng tránh nguy cơ ngập úng cục bộ; Thực hiện ngay việc kiểm tra, chằng néo tủ bảng thiết bị ngoài trời, chằng néo bổ sung mái tôn, cửa ra vào nhà thiết bị ngoài trời,...
Lãnh đạo các Truyền tải điện đều khẳng định mọi công tác chuẩn bị ứng phó sẽ được hoàn tất trước 12 giờ trưa 6-9 để sau đó tập trung công tác ứng phó.