Ngày 11-7, tại TP.HCM đã diễn ra toạ đàm "Doanh nghiệp và Phát triển Bền vững'’, tọa đàm do LifeNex và PDA & Partners cùng các đơn vị phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn đánh giá, các doanh nghiệp đã nắm tương đối rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ngoài ra, đã có nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững.
“Điều quan trọng lúc này, các doanh nghiệp đã quan tâm thật sự và sẵn sàng hành động để phát triển bền vững chưa? Theo tôi mỗi doanh nghiệp cần có cái nhìn rộng hơn và có tầm nhìn dài hạn hơn, chủ động hơn trong tư duy và hành động trong phát triển bền vững”- PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.
Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam) trao đổi: Từ năm 2022, trước khi EPR có hiệu lực, dù Nhà nước không yêu cầu, nhưng nhận thấy trách nhiệm của nhà sản xuất đối bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp tài chính, phối hợp, ủy quyền PRO Việt Nam tổ chức thu gom, tái chế các bao bì sản phẩm đã qua sử dụng.
Cụ thể, năm 2022, PRO Việt Nam đã tổ chức thu gom, tái chế được 3.500 tấn bao bì, năm 2023 là 14.000 tấn. Theo kế hoạch năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì.
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Cổ phần tái chế nhựa Duy Tân cũng thông tin, nhà máy tái chế nhựa của công ty đạt tiêu chuẩn "ba không" trong quá trình sản xuất, đó là không rác thải, không khí thải và không nước thải. Năm 2023, nhà máy đã tái chế được 2,3 tỉ chai nhựa, năm 2024, dự kiến sẽ tái chế năm tỉ chai nhựa và đang hành trình hướng tới nhà máy tái chế có quy mô tầm cỡ thế giới.