Doanh nghiệp xoay xở kìm giá tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn một năm nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng hơn 10 lần và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Song song đó, tác động bởi dịch bệnh cùng giá xăng dầu liên tục tăng buộc các nhà sản xuất phải tăng giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đều cố gắng xoay xở để hạn chế mức tăng giá thấp nhất đến người tiêu dùng.

Một số đơn vị đã tăng giá 10%

Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh Food (sản xuất bánh tráng, bún… xuất khẩu), cho biết hiện nay giá nguyên liệu đầu vào như bột mì, gạo đều tăng 20%-30%, chi phí vận chuyển cũng tăng cao. Đơn cử, trong giai đoạn bình thường chi phí kéo container từ cảng Cát Lái về xưởng ở Củ Chi khoảng 8 triệu đồng nay tăng lên 11 triệu đồng/container. Chưa kể, nhằm giữ chân người lao động, ngay từ đầu năm công ty đã phải tăng lương cho nhân viên.

Theo ông Toàn, công ty mua bột mì từ nhà cung cấp ở Tây Ninh nhưng do tình trạng thu gom từ Trung Quốc đẩy giá tăng nên hiện nay giá bột mì tăng hơn 20% và dự kiến còn tăng nữa.

“DN xuất khẩu ký hợp đồng 30 ngày giao hàng là cố định giá nhưng giá bột mì mỗi ngày mỗi tăng nên chúng tôi vô cùng áp lực” - ông Toàn nói.

Trong khi đó, bà Huỳnh Phương Trinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh bột quốc tế Intermix, chia sẻ tất cả nguyên liệu công ty nhập từ đầu năm đến nay mặt hàng nào cũng tăng giá 20%-30%.

Đặc biệt, trong hai tháng đầu năm giá bột mì nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, châu Âu tăng đột biến hơn 50%. Không những giá tăng cao mà nhà cung cấp cho biết không đủ nguyên liệu thô, lúa mì sản xuất nên cung cấp không đủ sản lượng, DN phải tìm nhà cung cấp khác.

“Tuy nhiên, DN vẫn kìm giá và đang thông báo lộ trình từ tháng 3, 4 tùy mặt hàng, tùy đơn vị đã ký hợp đồng mới điều chỉnh tăng giá 10%-15%” - bà Trinh nói.

Đại diện Công ty Meizan CLV cho biết từ cuối năm 2021 đến nay giá nhiều nguyên liệu tăng 30%-40%, cước vận chuyển tăng cao.

Đơn cử, một container hàng từ miền Nam ra miền Bắc chi phí khoảng 15-16 triệu đồng, nay tăng lên đến 25 triệu đồng. Chưa kể, giá những nguyên liệu đốt lò để sản xuất mì, nui cũng tăng phi mã. Thế nhưng từ đầu năm đến nay công ty cố gắng chỉ điều chỉnh các sản phẩm bột, mì, nui tăng 7%-10%.

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May Group (chuyên thức ăn chăn nuôi gia súc, thủy hải sản…), cũng đau đầu vì từ trước tết và đến nay giá các loại nguyên liệu, chi phí đầu vào, vận chuyển đều tăng cao. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất một số loại thức ăn chăn nuôi đã tăng, thời điểm này đang chờ “bão giá” một số loại khác đến.

Vì vậy, giá đầu ra công ty phải điều chỉnh tăng theo từng đợt và theo thị trường. Cuối tháng 3, công ty dự kiến tiếp tục điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi thêm 1.000 đồng/kg.

Theo ông Thiện, sức mua người tiêu dùng ở phân khúc bình dân không mạnh do dịch bệnh kéo dài nên khó khăn về kinh tế. Nếu nhu cầu tăng mạnh thì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn tăng cao hơn nữa.

Doanh nghiệp sản xuất bánh tráng cố gắng kìm mức tăng giá hàng hóa khoảng 10%. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp tiết giảm nhiều chi phí

Theo ông Toàn, đối với thị trường nội địa, DN tự xoay xở trong nội bộ như cải tiến máy móc tăng năng suất; cắt toàn bộ chi phí quảng cáo. Đối với thị trường xuất khẩu, trước đây khi khách hàng đặt mua một container, công ty sẽ tặng thêm sản phẩm cùng loại nhưng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, công ty trao đổi cùng khách hàng để cắt giảm khoản này.

“Chúng tôi phải rất cân nhắc mới điều chỉnh tăng 10% để người tiêu dùng dễ chấp nhận. Nếu tăng đúng theo thực tế thì giá phải điều chỉnh tăng đến 30%” - ông Toàn nói.

Theo đại diện Công ty Meizan CLV, công ty phải luôn theo dõi tình hình thị trường và đối thủ ngành hàng vì phải rất cân nhắc chứ không thể tăng giá một cách đột ngột.

Tương tự, bà Trinh cho biết từ đầu năm đến nay công ty vẫn giữ giá bán nhờ có hợp đồng dự trữ mua từ nhà cung cấp Mỹ, Canada, Úc. Song song đó, công ty nhập bột mì từ công ty mẹ với giá không tăng nhẹ và không khan hiếm bằng bột mì nhập khẩu trực tiếp.

“Tuy nhiên, lúa mì được công ty nhập chủ yếu từ Nga, Úc, Mỹ, Canada nhưng trước tình hình xung đột chưa biết khi nào kết thúc, dự báo giá sẽ tiếp tục tăng phi mã. Chúng tôi đang giảm lợi nhuận để kìm giá chứ giá nguyên liệu đã tăng quá cao, thị trường căng thẳng, DN không còn cách nào để giữ giá” - bà Trinh nói.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh, để có thể tăng giá ở mức thấp nhất, DN phải cắt giảm tối đa chi phí, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất.

Song song đó, cố gắng nội địa hóa một số nguyên vật liệu để có giá rẻ hơn… Tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa chỉ được 12%, còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Trong khi đó, đối với DN sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, thủy hải sản có “phao” để DN níu là tận dụng các phụ phẩm từ lúa gạo nhưng không được bao lâu. Hiện giá các phụ phẩm này cũng đã tăng do hút hàng.

Đơn cử, công ty đã dùng lượng bột cặn tồn ứ sau quá trình làm ra các sản phẩm từ gạo của bà con Sa Đéc để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thời gian qua giá bột cặn từ 700 đồng/kg tăng lên 3.500 đồng/kg, tăng trưởng 500%.

“Việc tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa giúp nghề bột truyền thống giảm nguy cơ bị mai một, đồng thời góp phần tiết giảm lượng ngoại tệ để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong khi tiền xuất khẩu gạo hằng năm của Việt Nam chỉ tương đương với tiền nhập bã đậu nành cho ngành thức ăn chăn nuôi” - ông Thiện nói.

Doanh nghiệp chia sẻ với nhà phân phối

Một số DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết hầu như các đơn vị buộc phải tăng giá nhưng có những hỗ trợ cho đại lý hoặc trang trại bằng cách giảm chiết khấu; một số đơn vị san sẻ khó khăn với nhà phân phối bằng cách giảm lợi nhuận bằng 0 để cùng có thể đảm bảo hoạt động trong bối cảnh khó khăn này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm