Ngôi mộ tọa lạc trên khu đất rộng gần 1.000 m2. Ngày 17-2-2011, chủ tịch UBND TP ban hành Quyết định 697/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh TP đối với di tích lịch sử mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên.
Xung quanh khuôn viên ngôi mộ có tường rào bằng gạch cao hơn 2 m. Phía tây bắc giáp đường Thoại Ngọc Hầu, phía bắc giáp đường Nguyễn Sơn, mộ xây theo hướng đông nam và là mộ song táng.
Nhà mồ hình bát giác khá cao, trên tường đính nhiều hoa văn trang trí.
Cổng vào nhà mồ, bên trong là mộ song táng bằng đá cẩm thạch.
Hai con kỳ lân chắn giữ trước cổng nhà mồ.
Hai ngôi mộ bằng đá cẩm thạch được mài bóng láng các mặt. Ngôi mộ bên phải của ông Nguyễn Quý Anh được xây dựng năm 1938. Ngôi mộ của bà Lý Thu Liên xây dựng vào năm 1954 nằm bên trái. Mỗi mộ dài gần 2,5 m và rộng khoảng 1 m, hai mộ cách nhau gần 1 m.
Ông Nguyễn Quý Anh (1883-1938), hiệu Nhụ Khanh, tục gọi là Ấm Bảy; là một nhà cải cách duy tân Việt Nam thời cận đại và là một trong sáu thành viên sáng lập Trường Dục Thanh và lãnh đạo Công ty Liên Thành hồi đầu thế kỷ XX.
Ông sinh tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là danh sĩ Nguyễn Thông (1827-1884), quan triều Nguyễn. Thời trẻ, ông ra học ở Quảng Nam với thầy Trần Quý Cáp. Năm 1905, ông theo Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp vào Nam cổ động phong trào Duy Tân. Trong ảnh: Thành mộ ốp đá cẩm thạch, đá có chạm khắc ốp viền xung quanh như những chiếc đai ôm cứng cho phần mộ.
Sau khi gặp gỡ ba nhà yêu nước ấy, hưởng ứng phong trào, Nguyễn Trọng Lội (anh ruột Nguyễn Quý Anh), Nguyễn Hiệt Chi, Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng và Nguyễn Quý Anh lần lượt thành lập: Liên Thành thư xã, Liên Thành thương quán (tức Công ty Liên Thành), Dục Thanh học hiệu (tức Trường Dục Thanh).
Theo sự phân công, Nguyễn Quý Anh được đặc trách trông nom Trường Dục Thanh ((giám hiệu) cho đến khi trường đóng cửa vào năm 1912. Năm 1917, ông được cử làm tổng lý ((giám đốc) thay cho Hồ Tá Bang, để ông này lãnh nhiệm vụ nghị trưởng ((chủ tịch Hội đồng Quản trị). Sau đó, tổng cuộc Công ty Liên Thành chính thức dời vào Chợ Lớn và Nguyễn Quý Anh giữ chức vụ trên cho đến khi mất. Năm Mậu Dần (1938), ông qua đời tại Chợ Lớn lúc 55 tuổi. Trong ảnh: Trên nắp mỗi ngôi mộ có khắc ba hoa văn hình tròn.
Bà là Phạm Thị Loan (74 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), người cháu trông coi ngôi mộ này cho biết giai đoạn năm 1968, trong lúc giao tranh, đạn quân địch nã vào trúng nhà mồ khiến cho một số góc của nhà mồ bị vỡ. Mặt mộ bằng đá cẩm thạch bị bắn vỡ, chỉ mới được dán lại cách đây khoảng 10 năm.
Phía sau hai mộ xây một bàn hương án bằng đá mài, trên bàn hương án đặt một lư hương và bình hoa cùng bài vị thờ bà họ Lý. Trên bài vị khắc chữ “Nơi an giấc nghìn thu của bà Lý Thu Liên sinh năm 1888, qua đời ngày 02 tháng 05 năm Giáp Ngọ (2-6-1954) tại Chợ Lớn”. Trên vách tường sau có gắn một tấm bia đá cẩm thạch cao lớn, khắc chữ Quốc ngữ ghi lại thân thế và công đức người quá cố.
Theo bà Loan, toàn bộ đá cẩm thạch xây mộ đều từ Pháp đóng gói gửi về, sau đó được các thợ ở Việt Nam lắp ráp thành ngôi mộ.
Ngôi mộ cổ năm nay đã có 78 năm tuổi. Đây là hai ngôi mộ cổ làm bằng đá cẩm thạch hiếm hoi còn sót lại và được xếp vào hạng mộ cổ bằng đá cẩm thạch đẹp bậc nhất ở Sài Gòn.
Để ghi công một danh nhân của đất Việt, tháng 6-2012, HĐND TP.HCM đã đặt tên Nguyễn Quý Anh cho một con đường tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.