Độc lạ đan áo cho chiêng

(PLO)- Bà con người Jrai ở xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) tâm niệm rằng chiêng là hồn cốt dân tộc, là nơi thần trú ngụ nên cần nâng niu, đan áo che chở cho chiêng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ nhiều năm qua, thực trạng “chảy máu cồng chiêng” diễn ra ở nhiều buôn làng. Thế nhưng xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn còn bảo tồn và lưu giữ được số lượng chiêng nhiều nhất tỉnh.

Mặc áo cho chiêng

Để bảo tồn số chiêng quý của làng, bà con nơi đây sáng tạo ra những “lớp áo” bằng song mây tuyệt đẹp để bao bọc, giữ gìn nó. Hiện số lượng nghệ nhân làm ra những chiếc áo cho chiêng không còn nhiều như trước, chủ yếu ở làng Mít Jép.

Nhờ những chiếc áo, bà con giữ gìn chiêng quý thêm cẩn thận, trân quý hơn. Tại các lễ hội hoặc giao lưu văn hóa giữa các làng với nhau, việc di chuyển chiêng từ nơi này đến nơi khác rất vất vả nhưng nhờ những chiếc áo này, việc mang chiêng đi rất tiện lợi. Lúc ở nhà, bà con treo cẩn thận chứ không bỏ đống ở góc nhà nữa.

Ông KSOR TUÂNG, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, già Rơ Châm Hyai (làng Mít Jép) vẫn duy trì thói quen đan áo cho chiêng để bảo vệ những chiếc chiêng quý của mình và bán cho khách đặt hàng. Những chiếc áo bọc chiêng được ông dùng loại song mây đan rất cẩn thận, tỉ mỉ từng đường nét và vô cùng bắt mắt.

“Từ xưa, chiêng tượng trưng cho sự giàu có. Vì vậy, mỗi bộ chiêng có thể đổi cả hàng chục, hàng trăm con trâu… Làng càng giàu mạnh sẽ có nhiều chiêng. Để bảo vệ và giữ gìn chiêng, bà con trong làng nghĩ ra cách dùng song mây để đan túi đựng chiêng” - già Rơ Châm Hyai nói.

Để làm chiếc áo đẹp cho chiêng, nghệ nhân luôn kỹ càng từ khâu chọn lựa chất liệu cho đến khi làm ra thành phẩm, nhiều khi mất cả tuần mới hoàn thành. Thông thường, nghệ nhân phải tự mình cầm rựa lên rừng để “săn” những cây mây có hình dáng thẳng, đều, cây không được quá già hoặc quá non.

Già Rơ Châm Hyai, làng Mít Jép, xã Ia O (phải), đan áo cho chiêng. Ảnh: TD
Già Rơ Châm Hyai, làng Mít Jép, xã Ia O (phải), đan áo cho chiêng. Ảnh: TD

Sau khi chuẩn bị vật liệu chính, nghệ nhân sẽ hơ mây qua lửa nóng, rồi tỉ mỉ tách mây thành những sợi mảnh, đều. Tiếp theo đó, sợi mây được ngâm vào chất nhuộm đặc chế riêng để sản phẩm lên màu đẹp, bền. Quá trình đan cũng phải làm hết sức cẩn thận. Vì vậy, giá mỗi chiếc áo này không hề rẻ, từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng.

“Ai chịu khó học, làm nhiều sẽ quen tay thôi. Khó nhất là khâu làm khuôn phải tròn, đều. Áo chiêng có một mặt bằng và một mặt lồi, lõm theo tạo hình của chiêng. Đặc biệt, để chiếc áo đẹp, cuốn hút, người làm phải sáng tạo thêm các hoa văn theo nét truyền thống” - già Rơ Châm Hyai chia sẻ.

Giữ gìn hồn cốt dân tộc

Là bậc cao niên trong làng Mít Jép, năm nay già Ksor Hơn đã ngoài 80 tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn gom góp vật liệu đan áo cho chiêng. Ông tự hào ở trong làng, gia đình và con cháu ông vẫn còn lưu giữ nhiều bộ chiêng quý nhất, với chín bộ.

Già Hơn còn được nhiều người biết đến với các biệt tài khác như chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ, tạc tượng… và thuộc nhiều bài chiêng. Thi thoảng ông cũng tham gia dạy cho lớp trẻ, giữ gìn truyền thống của làng.

Sản phẩm của ông làm ra cũng được người làng đánh giá cao bởi sự tinh tế, chu tất gần như hoàn mỹ, họa tiết đẹp. Ngoài chiếc áo cho chiêng bền chắc, ông còn bổ sung dây đeo có màu sắc bắt mắt, gắn với chùm hạt cườm kêu rất vui tai.

“Để dệt được chiếc áo cho chiêng ưng cái bụng, già phải chọn cây song mây vừa đến độ để tránh sợi mây giòn gãy, hay kém dẻo dai. Hồi còn khỏe, già từng qua rừng giáp Campuchia để lấy cây mây về làm. Mình đã làm thì cần phải đẹp, kể cả tấm lòng” - già Hơn nói.

Anh Rơ Mah Yiu, cán bộ văn hóa xã Ia O, cho biết: “Ông Ksor Hơn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận là nghệ nhân nhưng trong lòng dân làng khắp vùng biên giới Ia O, ông xứng đáng với danh hiệu ấy. Ông chính là “kho báu” của đại ngàn”.

Chiêng quý được bao bọc cẩn thận bằng những chiếc túi làm từ song mây. Ảnh: LK
Chiêng quý được bao bọc cẩn thận bằng những chiếc túi làm từ song mây. Ảnh: LK

Thời gian gần đây, do song mây ngày càng khó kiếm, nghệ nhân Ksor Huyên (63 tuổi, cũng ở làng Mít Jép) đã cải tiến, dùng chất liệu sợi nhựa thay cho song mây. Tuy sợi nhựa có độ bền kém, không quý bằng song mây nhưng cũng tạo nên những chiếc áo lạ với đủ màu sắc bắt mắt.

“Trước đây, bộ chiêng của gia đình tôi được đổi bằng hai con trâu đực và coi đây là tài sản quý nên phải bảo vệ cho tốt. Nhờ nghề đan áo cho chiêng, thỉnh thoảng tôi cũng có thêm thu nhập nhờ khách ở Kon Tum, Đắk Lắk đặt mua” - già Huyên chia sẻ.

Do cách đan áo cho chiêng đòi hỏi tính cẩn thận, kiên trì và phần lớn sản phẩm làm ra là để phục vụ gia đình, người làng nên rất ít thanh niên ham học hỏi. Điều này khiến các nghệ nhân già trăn trở khôn nguôi.

“Tôi lo nhất là sau này không còn mấy ai biết đan áo cho chiêng nữa, do lớp trẻ ít học, ngay cả bảy đứa con của tôi cũng không theo nghề của cha” - già Huyên nói.

Thay áo mới cho chiêng mỗi mùa xuân về

Theo thống kê của huyện Ia Grai, địa bàn hiện có khoảng 760 bộ chiêng quý, nhiều nhất là ở xã Ia O với gần 350 bộ. Để bảo tồn chiêng quý và lưu giữ nét truyền thống, hằng năm huyện đều tổ chức mở các lớp dạy chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ, tạc tượng nhằm lưu giữ nét văn hóa ở địa phương, tránh mai một.

Bà Lê Thị Phương Loan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai, cho biết: “Bà con xem chiêng như máu thịt của mình. Họ tâm niệm rằng mỗi chiếc chiêng đều có thần trú ngụ nên quyết tâm gìn giữ. Hằng năm, mỗi mùa xuân về, những gia đình có chiêng thường thay cho chiêng chiếc áo mới. Ý nghĩa đan áo cho chiêng là để bao bọc nơi thần linh trú ngụ, giữ hồn cốt, truyền thống dân tộc mình. Đến nay, có những chiếc áo cho chiêng còn lưu giữ từ thời kháng chiến, mặc dù bạc màu theo thời gian nhưng không hỏng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm