Trung tá công an hóa thân thành ông đồ thư pháp

Trung tá công an hóa thân thành ông đồ thư pháp

(PLO)- Vài năm trở lại đây vào các dịp lễ, tết, nhiều người ở Bình Thuận khá thích thú khi chứng kiến một sĩ quan Công an Nhân dân hóa thân thành ông đồ thư pháp.

Vài năm trở lại đây, cứ đến dịp tết Nguyên đán, nhiều người dân ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) hết sức bất ngờ và thú vị khi chứng kiến một trung tá công an hóa thân thành ông đồ viết thư pháp tặng mọi người.

Trung tá Huỳnh Nhật Duy viết thư pháp dịp Tết Qúy Mão 2023

Trung tá Huỳnh Nhật Duy viết thư pháp dịp Tết Qúy Mão 2023

Nhìn bàn tay múa bút điêu luyện với những dòng chữ bay lượn sắc sảo, không ai nghĩ đó là một ông đồ mới chập chững vào nghề. Thật ra "ông đồ" này mới chỉ mày mò tự học vài năm nay mà thôi nhưng đã đạt được trình độ đáng nể.

Tôi quen Trung tá Huỳnh Nhật Duy đã lâu, từ khi anh là một người lính chữa cháy gan dạ, dấn thân, mưu trí. Anh cũng là người rất đam mê nghệ thuật thư pháp.

Trung tá Duy bên những tác phẩm của mình.

Trung tá Duy bên những tác phẩm của mình.

Sau này khi Duy được điều động và bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV05) Công an Bình Thuận, anh vẫn thế, hết giờ làm việc là cắm cúi tập viết.

Để có được những dòng chữ thư pháp ấn tượng, tinh tế tặng mọi người dịp tết, Trung tá Huỳnh Nhật Duy đã mất rất nhiều thời gian, công sức tập luyện, số giấy viết hỏng phải tính cả vài ký lô.

Trung tá Duy tặng chữ cho một người hâm mộ.

Trung tá Duy tặng chữ cho một người hâm mộ.

Vừa tự học trên mạng xã hội, vừa học hỏi giao lưu với những người đi trước, Trung tá Huỳnh Nhật Duy đã hình thành phong cách độc đáo của riêng mình.

Ngắm những tác phẩm của Trung tá Duy, người xem sẽ dễ dàng phát hiện những phá cách rất nghệ thuật dưới ngòi bút của anh.

Ở đó, tính biểu cảm trong nghệ thuật thư pháp của anh luôn hướng đến sự đơn giản, hài hòa, bình dị nhưng không kém phần lãng mạn, độc đáo.

Một tác phẩm của Trung tá Duy.

Một tác phẩm của Trung tá Duy.

Thông thường, những ông đồ viết thư pháp Việt chọn các nội dung gần gũi như ca dao, tục ngữ, những lời hay ý đẹp của danh nhân, những bài thơ trữ tình…Riêng Trung tá Duy còn viết cả những nội dung hay về các lực lượng Công an Nhân dân kèm hình nền vô cùng sinh động hoặc viết thư pháp trên đá, gỗ, tre, trúc, lá bồ đề…

Một tác phẩm về lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Một tác phẩm về lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Dịp tết Qúy Mão năm nay, lúc thì người ta thấy ông đồ công an cho chữ ở khu vực Tượng đài Chiến Thắng (Phan Thiết); lúc lại thấy ông mặc áo dài, chít khăn đóng múa bút ở các resort ven biển ở Phan Thiết, Hàm Thuận Nam… tặng du khách.

“Dù viết thư pháp ở địa điểm nào thì đối với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên tôi đều viết tặng cho các em bởi tôi muốn thổi đam mê vào môn nghệ thuật này, thu hút các bạn trẻ tham gia nhiều hơn” - Trung tá Duy chia sẻ.

Trung tá Duy viết thư pháp dịp tết Quý Mão.

Trung tá Duy viết thư pháp dịp tết Quý Mão.

Theo Trung tá Duy, mỗi ngày đi làm về, ngồi vào bàn viết là mệt mỏi tan biến. Theo anh, mỗi tác phẩm thư pháp tùy vào cảm xúc của người viết luôn tạo nên những nét đẹp khác biệt. Ở góc độ thưởng lãm, mỗi bức thư họa được tặng vừa là vật trang trí nhẹ nhàng trong nhà vừa là kim chỉ nam trong cuộc sống mà mỗi ngày người ta đều ngắm và dặn mình.

Một tác phẩm về lực lượng Công an Nhân dân.

Một tác phẩm về lực lượng Công an Nhân dân.

Theo Trung tá Duy, gần đây nhiều bạn trẻ rất thích được tặng chữ NHẪN là điều đáng mừng bởi cuộc sống hiện nay không ít người vì không biết nhẫn nhịn mà làm các mối quan hệ xấu đi; hay trong hôn nhân, chữ Nhẫn chính là chìa khóa nắm giữ hạnh phúc của mọi gia đình.

Đặc biệt trong công việc, chữ Nhẫn nhắc nhở cho sự nhẫn nại để từ đó kiên trì học hỏi, đi đến thành công…

Trung tá Duy cho biết, chính nhờ vận dụng thư pháp Việt nên công việc của anh trôi chảy, tốt đẹp hơn và mong ước lớn nhất của anh là nghệ thuật thư pháp Việt không bị mai một mà sẽ trường tồn mãi mãi để:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

(Ông Đồ – Vũ Đình Liên)

Đọc thêm