Ngày 9-6, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử có công văn hỏa tốc thông tin cho báo chí về kết luận giải quyết kiến nghị của ngư dân ở Gành Hào, liên quan điện gió Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).
Một góc công trường điện gió Tân Thuận, Cà Mau. Ảnh: CTV.
Theo đó, các trụ điện gió 4, 5, 6 và 7 của điện gió Tân Thuận được Cục Đường thủy nội địa xác định không vi phạm luồng, hành lang an toàn luồng lạch. Việc này được đối chiếu trên Thông tư số 46/2016 của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, so với quy định phía Bộ Công thương thì hai trụ 6 và 7 có vị trí chưa đảm bảo hành lang an toàn của cột tháp gió, quy định tại Thông tư số 02/2019 của bộ này. Thông tư 02/2019 quy định chi tiết rằng với trụ tháp gió, vị trí an toàn phải được cộng thêm chiều cao của trụ tháp, kể cả cánh quạt. Tức là từ vị trí an toàn hành lang luồng phải lùi xa hơn thêm một khoảng bằng với chiều cao của trụ tháp cộng với cánh quạt.
Riêng hai trụ số 4 và 5 không được đề cập có đảm bảo tất cả các quy định hay không. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã thống nhất di dời cả bốn trụ là 4, 5, 6 và 7 theo đề nghị của Cục Đường thủy nội địa.
Theo đó, trụ số 4 và 5 được giãn khoảng cách xa nhau 600 m. Trụ số 6 di dời vào hướng bờ 50 m, trụ số 7 cũng di dời vào hướng bờ 23 m.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đề nghị chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào cửa biển, lắp đặt hệ thống phao báo hiệu luồng lạch...
Như PLO đã thông tin, trong tháng 5-2020, ngư dân ở cửa biển Gành Hào, thuộc hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã phản ánh vị trí của một số trụ điện gió Tân Thuận gây cản trở đường tàu biển ra vào cửa Gành Hào. Các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã vào cuộc, làm rõ và có kết luận như nêu trên.
Điện gió Tân Thuận được Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỉ đồng, khởi công tháng 12-2019, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021.