Đòi bồi thường 220 triệu vì bị tiêm thuốc quá liều

TAND tỉnh Đắk Lắk vừa xử phúc thẩm vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông D. và bị đơn là ông Đ. do có kháng cáo của cả hai ông. Vụ việc đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe xuất phát từ việc bị tiêm quá liều thuốc Corticoid (K-cort).

Phải điều trị nhiều nơi sau khi tiêm thuốc ngứa

Theo hồ sơ, nguyên đơn là ông D. trình bày ngày 28-12 âm lịch năm 2019 (ngày dương lịch ông không nhớ), ông đi ăn tất niên xóm và gặp ông Đ. Trong quá trình nói chuyện, ông Đ. biết ông đang bị ngứa mu bàn chân và đầu gối chân trái nên gợi ý là trị được bệnh này. Do đó, sau tết Nguyên đán, ông qua nhà ông Đ. để khám và điều trị.

Đợt thứ nhất từ ngày 7 đến 13-3-2019, ông đến nhà ông Đ. và được tiêm vào vùng đầu gối, mu bàn chân trái tổng cộng 11 lọ thuốc K-cort. Đợt thứ hai cách đợt thứ nhất khoảng 10 ngày. Ông thấy chân có dấu hiệu sưng tấy thì ông Đ. dùng dao y tế rạch vết thương và tiếp tục tiêm sáu lọ với liều lượng hai lọ/lần/ngày.

Tuy nhiên, bệnh tình của ông không đỡ trong khi chân tiếp tục sưng tấy. Ông Đ. tiếp tục dùng dao y tế rạch vết thương, nặn mủ, rửa sạch vết thương, băng bó và bảo ông giữ vết thương cho sạch sẽ, không nói ông đi bệnh viện xử lý.

Qua tìm hiểu, ông biết ông Đ. đã tiêm quá liều K-cort cho mình dẫn tới gối trái bị hoại tử, áp xe mô mềm phải nhập viện điều trị tại năm bệnh viện cả trong tỉnh và ở TP.HCM.

Tổng cộng, ông D. yêu cầu bị đơn bồi thường tiền đi lại điều trị ở năm bệnh viện, tiền công người chăm sóc, tiền tổn thất tinh thần và tiền mất thu nhập thực tế là hơn 220 triệu đồng.

Bị đơn là ông Đ. trình bày khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3-2019, ông D. có đến nhà ông bảo bị ngứa không khỏi nên nhờ ông chữa giúp. Sau khi thăm khám, kiểm tra, ông chẩn đoán ông D. bị chứng viêm da cơ địa đối xứng. Căn bệnh này ông đã chữa khỏi cho nhiều người. Do đó, ông điều trị cho ông D. bằng thuốc tiêm Corticoid (K-cort) dung dịch 2 ml, màu trắng sữa.

Quá trình điều trị đợt đầu, ông đã tiêm cho ông D. một lọ K-cort loại 8 mg, dung dịch 2 ml, liều lượng tiêm là một lọ/ngày vào mu bàn chân và đầu gối trái. Thời gian tiêm liên tục trong 10 ngày. Ông tiêm cho ông D. hết 10 ngày, thấy ông D. khỏi bệnh thì không tiêm nữa.

Sau 10 ngày kể từ khi tiêm hết đợt đầu tiên, ông D. sang nhà bảo ông tiêm thêm mấy mũi nữa cho khỏi hẳn. Ông đã tiêm thêm cho ông D. ba lọ K-cort như trên trong ba ngày. Đến ngày thứ ba thì có hiện tượng sưng phù nề chân trái. Ông đã dùng dao rạch vết thương, nặn mủ, rửa sạch vết thương, băng bó lại và bảo ông D. giữ vết thương sạch sẽ, đến bệnh viện xử lý.

Sau khi ông D. điều trị tại một bệnh viện rồi ra viện, ông có thăm hỏi, gửi chi phí thuốc men… cho ông D. nhiều lần, tổng cộng là 15,3 triệu đồng. Ông D. đã viết giấy cam kết, xác nhận đã nhận 15,3 triệu đồng và không có kiện cáo gì đối với gia đình ông.

Ông không đồng ý với yêu cầu đòi bồi thường của ông D. và cho rằng quá trình tiêm thuốc, thấy ông D. có dấu hiệu bệnh tiểu đường dẫn đến biến chứng…

Xử sơ thẩm, TAND huyện Krông Búk chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn hơn 51 triệu đồng, được khấu trừ số tiền 15,3 triệu đồng đã bồi thường trước đó.

Sau đó, nguyên đơn kháng cáo yêu cầu tăng tiền bồi thường, bị đơn kháng cáo yêu cầu giảm tiền bồi thường.

Bị đơn có lỗi chính, nguyên đơn có lỗi một phần

Tòa phúc thẩm nhận định sau khi điều trị nhiều nơi, ông D. đã làm đơn tố giác đến công an. Theo giám định pháp y, ông D. bị tổn thương cơ do thương tích gây nên là 9%. Nguyên nhân hình thành là do tác động trực tiếp của vật sắc bén lên vùng gối trái trên bệnh nhân tiểu đường type II và điều trị Corticoid (K-cort) quá liều. Sau đó, công an huyện ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do hành vi của ông Đ. không cấu thành tội phạm.

Do đó, cấp sơ thẩm chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường chi phí điều trị vết thương cho nguyên đơn là có căn cứ. Tuy nhiên, các tài liệu nguyên đơn nộp cho tòa và chứng cứ tòa thu thập được thể hiện quá trình điều trị tại các bệnh viện thì ngoài nội dung điều trị vết thương, ông D. còn điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

Tòa phúc thẩm xem xét thấy cấp sơ thẩm bỏ sót, không tính một số hóa đơn điều trị vết thương nhưng một số khoản tiền thuộc điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp vẫn tính vào chi phí điều trị buộc ông Đ. bồi thường là chưa phù hợp nên đã tính toán lại… Theo đó, tổng cộng các khoản chi phí hợp lý mà HĐXX phúc thẩm xem xét là gần 78,6 triệu đồng.

Theo tòa phúc thẩm, bị đơn không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn tự mình khám chữa bệnh trái với quy định pháp luật, là người gây thương tích cho nguyên đơn. Vì vậy, lỗi chính thuộc về bị đơn.

Cạnh đó, tòa cũng cho rằng việc điều trị thương tích dài ngày không khỏi một phần do nguyên đơn bị bệnh đái tháo đường. Nguyên đơn biết bị đơn không có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh nhưng vẫn đến khám chữa bệnh mà không đến các cơ sở y tế để điều trị nên nguyên đơn cũng có một phần lỗi. Cấp sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường 2/3 chi phí hợp lý là phù hợp. Do đó, bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn gần 52,3 triệu đồng.

Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn gần 52,3 triệu đồng.

Không tính khoản chi phí điều trị trước ngày 13-5-2019

Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn các chi phí hợp lý cho việc điều trị vết thương là có căn cứ. Tuy nhiên, ngày 13-5-2019, nguyên đơn viết biên nhận đã nhận của bị đơn số tiền 15,3 triệu đồng và không yêu cầu bồi thường thêm. Do đó, chi phí điều trị trước ngày 13-5-2019 không tính vào chi phí điều trị để buộc ông Đ. bồi thường.

Đại diện VKS đề nghị tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn hơn 54 triệu đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm