TAND tỉnh Tây Ninh vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp khác về dân sự, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm giữa nguyên đơn là bà Đ. và bị đơn là bà S. do có kháng cáo của nguyên đơn.
Trả tiền nhưng không được trả giấy nợ
Theo hồ sơ, bà Đ. trình bày ngày 29-7-2020, bà có vay của bà S. số tiền 400 triệu đồng để trả nợ cho ngân hàng. Khi vay, hai bên thỏa thuận tiền lãi mỗi ngày là 4.000 đồng/1 triệu đồng. Thời hạn trả nợ là khi nào ngân hàng cho vay lại thì bà Đ. trả tiền cho bà S. Bà Đ. viết giấy xác nhận nợ, giao cho bà S. giữ.
Trong buổi sáng 29-7-2020, bà Đ. đã trả nợ xong cho ngân hàng. Khoảng 15 giờ cùng ngày, ngân hàng cho bà vay lại số tiền 400 triệu đồng nên bà đã trả cho bà S. số tiền gốc 400 triệu đồng và 2 triệu đồng tiền lãi.
Tuy nhiên, bà S. chỉ nhận tiền gốc, không nhận tiền lãi. Khi bà Đ. trả tiền cho bà S., hai bên không làm giấy tờ. Bà S. yêu cầu bà phải trả 10 triệu đồng tiền lãi thì mới trả lại giấy nợ cho bà.
Lo sợ sau này bà S. sử dụng giấy nợ này kiện bà đòi nợ nên bà khởi kiện yêu cầu bà S. trả lại cho bà giấy nợ ngày 29-7-2020 với số tiền 400 triệu đồng.
Sau đó, bà Đ. có đơn khởi kiện bổ sung, yêu cầu bà S. bồi thường thiệt hại khoản chi phí đến tòa là 9 triệu đồng. Trong đó, tiền thu nhập bị mất trong thời gian đến tòa giải quyết vụ án là 8 triệu đồng và chi phí làm đơn khởi kiện là 1 triệu đồng.
Còn bà S. thì cho rằng vào khoảng tháng 7-2020, bà có cho bà Đ. vay tiền nhưng không nhớ bao nhiêu. Khi vay, bà Đ. có viết giấy nợ giao cho bà giữ. Do bà Đ. chưa trả tiền nên bà không trả lại giấy nợ cho bà Đ. và không cung cấp giấy nợ cho tòa án. Đồng thời, bà S. cho biết không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ.
Xử sơ thẩm, TAND TP Tây Ninh tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ. và miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bà Đ.
Sau đó, bà Đ. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà.
Phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án
Tòa phúc thẩm cho rằng trước khi thụ lý vụ án, cấp sơ thẩm nên giải thích cho bà Đ. rõ là hiện bà S. chưa khởi kiện bà, quyền và lợi ích hợp pháp của bà chưa bị xâm phạm, đồng thời hướng dẫn bà Đ. nhờ chính quyền địa phương gặp bà S. giải quyết.
Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm xác định việc khởi kiện đòi lại giấy nợ là vụ án tranh chấp khác về dân sự theo khoản 14 Điều 26 BLTTDS để thụ lý giải quyết là không chính xác. Bởi vì đối tượng tranh chấp không phải là giấy tờ có giá theo quy định tại khoản 1 Điều 105 BLDS 2015, điểm 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam mà chỉ là chứng cứ trong giao dịch dân sự cụ thể.
Cạnh đó, tòa phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm viện dẫn khoản 2 Điều 4 BLTTDS và khoản 2 Điều 14 BLDS quy định “tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là không đúng.
Theo tòa phúc thẩm, theo hướng dẫn của quy phạm này, khi chưa có điều luật áp dụng thì áp dụng tập quán, tương tự pháp luật. Việc đòi lại giấy nợ chưa được cơ quan, tổ chức hay cộng đồng dân cư tại địa phương thừa nhận và áp dụng rộng rãi nên không được xem là tập quán và cũng chưa có quy phạm pháp luật nào để so sánh áp dụng tương tự theo quy định tại Điều 5, 6 BLDS.
Ngoài ra, các đương sự cũng không cung cấp “đối tượng tranh chấp” nên không thể nhận biết được giấy nợ hình thức, nội dung như thế nào; số tiền vay là bao nhiêu, lãi suất và các thỏa thuận khác ra sao, không có cơ quan, tổ chức nào lưu giữ. Do đó, vụ việc này thuộc trường hợp trả đơn khởi kiện do không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Tòa phúc thẩm cũng cho rằng tòa sơ thẩm xác định việc bà Đ. yêu cầu bà S. bồi thường tiền thu nhập bị mất là quan hệ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm là không đúng. Theo tòa phúc thẩm, quan hệ này phát sinh từ yêu cầu đòi giấy nợ và không có căn cứ thụ lý theo luật định.
Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà Đ. là không đúng thẩm quyền nên quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.