Đội chữa cháy của những lão nông U70 ở Cần Thơ

(PLO)- Đội chữa cháy tình nguyện gồm 6-7 lão nông U70 ở TP Cần Thơ đã cùng nhau góp tiền chế tạo xe chữa cháy và làm “lính cứu hỏa”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ý thức được trách nhiệm của công dân trong việc PCCC, những lão nông U70 ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã cùng nhau lập nên một đội PCCC lưu động tình nguyện với đầy đủ trang thiết bị cần thiết.

Người tiên phong, khởi xướng mô hình đầy ý nghĩa này là ông Trần Văn Ri (62 tuổi, tên thân mật là ông Hai Ri).

Những người lính cứu hỏa U70

Khi đến phường Thới An tìm ông Hai Ri, tôi gặp ông Nguyễn Văn Sáu - một người dân sống ở đây hỏi tôi tìm ông Hai Ri làm gì, đã liên hệ chưa.

“Muốn trị bệnh thì tới phòng khám từ thiện đằng kia, không thì vào BV Ô Môn, chú Hai Ri hay nấu cơm từ thiện trong đó. Nếu không có thì đến phường, xem chú có ở xung quanh xe chữa cháy không. Nếu không chắc là ổng đi chạy xe từ thiện gì rồi. Gọi chú đi cho chắc” - ông Sáu nói rồi đọc số điện thoại của ông Hai Ri cho tôi.

Thử vận may, tôi đến thẳng UBND phường Thới An thì bắt gặp người đàn ông tóc muối tiêu, vẻ mặt đầy phúc hậu đang tỉ mẩn kiểm tra lại các dụng cụ, thiết bị trên chiếc xe màu đỏ có in chữ “Xe chữa cháy P. Thới An”. Thân xe có ghi kèm số điện thoại: 0899 501 448 - cũng chính là số điện thoại của ông Hai Ri.

“Chiếc xe nó nằm mãi ở đây là anh em chúng tôi mừng lắm, vì sẽ không có vụ cháy nào xảy ra hết. Nhưng phải dự phòng sự cố nên cứ khoảng nửa tháng là tôi đến kiểm tra các thiết bị, máy móc xem ổn không, lỡ có cháy xảy ra mà không xài được thì nguy” - ông Hai Ri nói.

đội chữa cháy
Ông Hai Ri đang kiểm tra lại các thiết bị để đảm bảo mọi thứ sẽ vận hành trơn tru khi có sự cố cháy xảy ra. Ảnh: HD

Năm 2023, sau khi chứng kiến nhiều vụ cháy nghiêm trọng đầy thương tâm trên cả nước, ông Hai Ri đã nung nấu ý tưởng thành lập một đội chữa cháy tình nguyện.

“Đã có những vụ cháy xảy ra thiệt hại quá lớn. Từ trung tâm quận ra tới đây cũng 7 km, mất nhiều thời gian nên tôi nghĩ lỡ xảy ra cháy trên địa bàn phường, nếu có phương tiện chữa cháy tại chỗ thì sẽ hạn chế được đám cháy lan cũng như thiệt hại. Nhà ở đây san sát nhau nên rất nguy hiểm” - ông Hai Ri chia sẻ.

Sau đó, ông Hai Ri đã vận động những người bạn đồng niên trong xóm cùng đóng góp để thiết kế một chiếc xe chữa cháy tự chế. Với số tiền đóng góp của các thành viên và sự hỗ trợ từ một doanh nghiệp địa phương, đội cũng mua được chiếc xe tải cỡ vừa.

Nhóm lão nông sau đó đã nghiên cứu, tìm tòi cách lắp đặt bồn nước và hệ thống phun nước để hoàn chỉnh chiếc xe chữa cháy đầu tiên của phường Thới An. Sau hơn 30 ngày miệt mài thực hiện, chiếc xe chữa cháy đã ra đời, trở thành phương tiện quan trọng trong những tình huống khẩn cấp.

Xe chữa cháy được trang bị đầy đủ các phương tiện máy bơm, dây dẫn nước mềm, hệ thống vòi phun với khả năng bắn xa tối đa 40 m đến các thiết bị bảo hộ. Đặc biệt, xe còn được trang bị bồn chứa nước khoảng 3.000 lít và luôn trong tư thế sẵn sàng vào trận chiến với lửa.

Vừa góp tiền vừa góp sức

Vào tháng 3-2024, tại khu dân cư Thới Trinh A, phường Thới An, một vụ cháy bất ngờ xảy ra khiến người dân vô cùng hốt hoảng. Đội chữa cháy của ông Hai Ri nhanh chóng có mặt tại hiện trường, kịp thời dập tắt đám lửa. Nhờ có phương tiện chữa cháy sẵn sàng tại chỗ, lửa đã được kiểm soát nhanh chóng, thiệt hại tài sản không đáng kể.

Cũng qua lần thực chiến này, ông Hai Ri và đội nhận ra một vấn đề lớn. Đó là các con hẻm nhỏ hẹp không phù hợp cho chiếc xe chữa cháy cỡ lớn tiếp cận. Từ đó, ông Hai Ri cùng nhóm bạn đã góp thêm 23 triệu đồng để chế tạo thêm một chiếc xe chữa cháy nhỏ gọn hơn, có thể dễ dàng tiếp cận các khu vực khó khăn.

“Chiếc xe nhỏ cũng được trang bị hệ thống máy bơm, vòi phun đầy đủ; dạng xe kéo rời tiện lợi, ai cũng có thể sử dụng được. Chỉ cần chạy kéo bằng xe máy thôi, di chuyển vô mấy đường nhỏ thuận tiện. Nhược điểm là xe này không có bồn nước nên phải đặt xe gần mương, sông để bơm nước lên” - ông Hai Ri nói.

Để công tác chữa cháy được hiệu quả, sau khi hoàn thiện phương tiện, cả nhóm ông Hai Ri đã liên hệ với lực lượng cảnh sát PCCC quận Ô Môn nhờ hướng dẫn cách xử lý tình huống. Giờ đây, mỗi thành viên của đội được ví như một lính cứu hỏa thực thụ.

Đội chữa cháy của ông Hai Ri gồm 6-7 thành viên nhưng điều đặc biệt là những thành viên này đều đã ngoài 60 tuổi, có thành viên đã hơn 70 tuổi.

Ông Lê Văn Tám (77 tuổi), thành viên lớn tuổi nhất trong đội, chia sẻ: “Dập được đám cháy giúp bà con là chúng tôi vui lắm. Tuổi cao nên tôi chỉ đi theo tiếp thêm tinh thần, phụ giữ vòi phun nước này kia thôi. Nhưng tuổi cao cũng không ngăn được sự nhiệt huyết của tôi và mấy anh em đâu à!”.

Hiện mô hình chữa cháy tình nguyện của đội ông Hai Ri đã được đông đảo người dân biết đến và thuộc nằm lòng “đường dây nóng cứu hỏa” của đội. Không chỉ được cộng đồng địa phương ghi nhận, mô hình đội chữa cháy của ông Hai Ri là một trong những mô hình tiêu biểu tại cơ sở được UBND quận Ô Môn khen thưởng và khuyến khích nhân rộng.

Bày tỏ về dự định sắp tới, ông Hai Ri và các thành viên mong muốn tiếp tục nhận được thêm sự hỗ trợ từ chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn và nâng cao kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Đội luôn cố gắng nỗ lực để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.

Mô hình của ông Hai Ri không chỉ đơn thuần là câu chuyện về những lão nông U70 vượt lên tuổi tác để phục vụ cộng đồng. Đó còn là minh chứng cho tinh thần tự giác, sự đoàn kết và trách nhiệm xã hội.

Chính sự gương mẫu của những lão nông này đã lan tỏa tinh thần PCCC trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn, nơi mà mỗi người dân đều có thể góp phần bảo vệ tài sản và tính mạng của người khác.

Mô hình cần được nhân rộng

Ông Đào Minh Huy, Chủ tịch UBND phường Thới An, đánh giá đây là mô hình mới, cần nhân rộng trên địa bàn để công tác PCCC được đảm bảo.

“Chú Hai Ri và đội có nhiều đóng góp cho công tác thiện nguyện xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, chú Hai Ri cũng rất tích cực tham gia các phong trào địa phương. Đặc biệt là chú đã lập đội chữa cháy tình nguyện với hai xe chữa cháy được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết.

Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC cho đội và người dân cùng tham qua, qua góp phần tích cực vào phong trào toàn dân PCCC tại địa phương” - ông Huy nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm