TAND TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre vừa tổ chức phiên hòa giải trong vụ kiện đòi bồi thường oan giữa nguyên đơn là ông Châu Ngọc Ngừng (62 tuổi, ngụ xã Phú Hưng, TP Bến Tre) với bị đơn là VKSND tỉnh Bến Tre. Trong vụ này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Rút yêu cầu kiện VKSND tỉnh
Trước đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy một phần án sơ thẩm và phúc thẩm. Tòa này yêu cầu tòa sơ thẩm xét xử lại theo hướng buộc VKSND tỉnh phải bồi thường, cấp dưỡng nuôi con của ông Ngừng trong lúc ông bị bắt giam oan; buộc Cơ quan CSĐT công an tỉnh phải trả lại 59 giấy tờ đã tịch thu của ông Ngừng từ năm 1990.
Sau khi thụ lý lại, TAND TP Bến Tre đã tổ chức hòa giải giữa nguyên đơn, bị đơn và cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại phiên hòa giải, VKS chấp nhận bồi thường tiếp 50 triệu đồng cho ông Ngừng về khoản tiền cấp dưỡng nuôi một người con của ông trong thời gian ông bị bắt, khởi tố oan. Đồng ý với thỏa thuận này, ông Ngừng rút lại yêu cầu khởi kiện VKSND tỉnh đối với khoản bồi thường cấp dưỡng nuôi con.
Biên bản hòa giải xác nhận hòa giải không thành giữa nguyên đơn và CQĐT. Ông Ngừng vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đòi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phải trả lại bản chính của 59 giấy tờ đã bị thu giữ lúc ông bị bắt oan và cuốn sổ tiết kiệm bị thu giữ năm 1990.
Ngoài việc bị bắt oan, ông Châu Ngọc Ngừng còn bị thu giữ 59 giấy tờ liên quan đến tài sản. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Quyết kiện công an yêu cầu trả 59 giấy tờ
Lần hòa giải này, ông Lê Ngọc Yên (Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh) là người đại diện theo ủy quyền, thừa nhận CQĐT có thu giữ của ông Ngừng cuốn sổ tiết kiệm và 59 giấy tờ. Tuy nhiên, để giải quyết vụ việc, CQĐT đề nghị ông Ngừng cung cấp rõ địa chỉ chính xác của những người trong từng tờ biên nhận này.
Ông Ngừng bức xúc, cho rằng việc này hết sức vô lý. CQĐT thu giữ tang vật tài liệu của ông thì phải đưa ra mới biết được tên, họ, địa chỉ cụ thể của những người được ghi trong đó. Ông không thể nhớ chính xác tên tuổi, địa chỉ của từng người sau ngần ấy năm.
Ông Ngừng cho rằng CQĐT không có thiện chí và thiếu trách nhiệm trong việc trả lại tang vật đã tạm giữ của ông từ năm 1990 đến nay, cố ý đùn đẩy sự việc. “Nếu số giấy tờ đó bị mất, tôi yêu cầu tòa án xét xử buộc CQĐT Công an tỉnh Bến Tre bồi thường cho tôi theo giá trị thực tế trong từng biên nhận và tiền lãi phát sinh, tổng cộng 152 tỉ đồng” - ông Ngừng nói.
Vụ án oan này đã kéo dài 29 năm và đã hơn sáu tháng, kể từ ngày cấp giám đốc thẩm tuyên hủy án vụ đòi bồi thường oan nhưng đến nay cấp sơ thẩm vẫn chưa đưa ra xét xử vụ án. Ông Ngừng cho biết ông đã có đơn yêu cầu TAND TP Bến Tre sớm đưa vụ án ra xét xử.
Trong đơn, ông Ngừng nêu rõ nỗi oan khổ trong hơn 1/4 thế kỷ. Ông yêu cầu TAND TP Bến Tre đưa vụ án ra xét xử, buộc CQĐT phải trả tang vật đã thu giữ oan của ông để ông tiếp tục khởi kiện các vụ án liên quan khác để đòi tài sản.
Bồi thường 136 triệu đồng sau 29 năm oan Theo hồ sơ, ông Châu Ngọc Ngừng trước đây là bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND phường 6, thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre). Ngày 10-12-1990, ông bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Ngày 20-1-1993, sau hơn một năm bị tạm giam, ông được cho tại ngoại. Cùng năm này, TAND tỉnh Bến Tre xử sơ thẩm, tuyên ông không phạm tội. Sau đó, ông nhiều lần gửi đơn yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường thiệt hại nhưng không được. Ông khởi kiện ra tòa đòi bồi thường oan. Năm 2016, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên buộc VKSND tỉnh phải bồi thường cho ông hơn 136 triệu đồng và phải xin lỗi, cải chính công khai. Tháng 11-2016, ông được VKSND tỉnh tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường 136 triệu đồng. Sau đó, ông Ngừng tiếp tục đề nghị giám đốc thẩm hủy hai bản án trên, đồng thời yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường tiền cấp dưỡng nuôi con trong lúc ông bị bắt giam oan và yêu cầu CQĐT trả lại 59 giấy tờ thu giữ của ông khi ông bị bắt. TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm đã hủy một phần án sơ thẩm và phúc thẩm như đã nói. |