Đòi nợ “ngoài luồng” sẽ gây rối loạn pháp quyền

Trên số báo ngày 10-3, Pháp Luật TP.HCMcó bài “Thuê “xã hội đen” đòi nợ, xu hướng đáng lo ngại”. Bài viết đề cập những con số từ một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cho thấy “tỉ lệ thành công khi doanh nghiệp (DN) thuê các lực lượng phi chính thức (được cho là “xã hội đen”) thu hồi nợ cao đến 90%. Trong khi đó nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án (THA) thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50%”.

Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM xin đăng tiếp ý kiến của những người đã từng hoặc đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực THA nhằm hiểu rõ hơn về tình hình thực tiễn hiện nay.

Luật vướng nhưng không dễ gỡ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Luyện, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục THA (Bộ Tư pháp), cho rằng: “Kết quả cuộc khảo sát của VCCI không đủ để phản ánh hết tình hình thực tiễn hiện nay. Bởi lẽ quy mô và đối tượng khảo sát quá ít và sơ sài (chỉ có 15 DN, trong đó 10 được THA và năm phải THA) nên kết quả cho ra sẽ khó chính xác”. Theo ông Luyện, khoan hãy gọi đây là xu hướng mà cần có một cuộc khảo sát, tổng kết quy mô lớn, chính xác và được tiến hành bởi cơ quan chuyên môn đáng tin cậy.

Đo đạc để thi hành án một phần căn nhà tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Tuy nhiên, bàn về những khó khăn trong THA đối với DN, ông Luyện cho rằng cũng giống như hoạt động THA dân sự nói chung việc tồn đọng là khá phổ biến và rất khó để giải quyết vấn đề này trong ngày một ngày hai. Hai loại việc thường gặp trong THA đối với DN là liên quan đến nghĩa vụ tài sản trong hoạt động thương mại dân sự (như tranh chấp về thực hiện hợp đồng) và tài sản trong vụ án hình sự (như vụ án Epco-Minh Phụng…). Cả hai loại việc này đều thi hành khó khăn và cũng chưa có tổng kết là loại nào tồn đọng nhiều hơn loại nào. Khó khăn này không phải những người xây dựng luật không biết, song nó còn vướng nhiều yếu tố khách quan trong quá trình thực thi và xây dựng luật. Chẳng hạn như khi soạn thảo dự án Luật THA dân sự 2008 (đang áp dụng), ban soạn thảo đã đồng tình việc đưa quy định buộc người được THA phải xác minh tài sản bên phải THA để cung cấp thông tin cho cơ quan THA. Bởi nó xuất phát từ thực tế là Pháp lệnh THA dân sự 2004 bị chỉ trích khi quy định chấp hành viên là người phải xác minh. Bằng chứng là thời điểm đó rất nhiều khiếu nại của người được THA cho rằng người phải THA có tài sản nhưng chấp hành viên cố tình làm lơ. Ý chí của người làm luật lúc đó cho rằng vậy là bất cập nên đã sửa. Nhưng khi thi hành lại phát sinh khó khăn: Nếu để đương sự tự xác minh tài sản thì rất khó, nhất là với DN, cơ quan, tổ chức vì những nơi này sẽ không hợp tác. Do vậy Luật THA sửa đổi sắp tới có khi lại phải quy định theo hướng cũ tại Pháp lệnh THA dân sự 2004…

 “Khó khăn trong THA dân sự nói chung và với DN nói riêng là một câu chuyện dài, không thể giải quyết ngay. Muốn quá trình này nhanh hơn thì quan trọng là cần sự hợp tác của các bên đương sự với tinh thần thượng tôn pháp luật” - ông Luyện nói.

Lỏng lẻo từ chỗ khác, THA lãnh đủ

Bàn về kết quả cuộc khảo sát do VCCI thực hiện, Chi cục trưởng Chi cục THA quận 8 (TP.HCM) Võ Thành Danh cho rằng nếu kết luận của cuộc khảo sát này chính xác thì là một nguy cơ rất xấu cho xã hội. “Nói gì thì nói sống trong xã hội có pháp luật thì phải tuân thủ và dùng pháp luật giải quyết tranh chấp chứ không thể tìm biện pháp khác” - ông Danh nói và cho rằng các DN đừng vì tâm lý chủ quan, thiếu niềm tin vào pháp luật mà vội vàng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp trái luật. Hậu quả của thực trạng này nếu có sẽ rất lớn vì nó làm rối loạn xã hội pháp quyền.

Ông Danh cho rằng khác với THA hình sự, THA dân sự là thi hành nghĩa vụ về tài sản nên các biện pháp đảm bảo cho tài sản rất quan trọng. Trong khi công bằng mà nói quy định về hoạt động của các DN tại Việt Nam hiện nay còn nhiều lỏng lẻo. Chẳng hạn ngay từ khi thành lập DN đã không tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành về việc đăng ký giao dịch đảm bảo, đăng ký vốn theo tiêu chuẩn loại hình mình hoạt động. Do đó có tình trạng nhiều DN ký hợp đồng thật nhưng tài sản ảo, khi có tranh chấp lại không có gì để đảm bảo cho nghĩa vụ tài sản của mình. “Lúc này nếu bị thua kiện, THA vào cuộc muốn làm nhanh cũng không được thì DN có tài sản đâu mà THA. Do vậy quan điểm của một số DN cho rằng nhờ THA thì lâu và kết quả không cao là chưa sòng phẳng và đúng với thực tế khách quan” - ông Danh nói.

Đồng quan điểm với ông Danh, Chi cục trưởng Chi cục THA quận 5 Lê Hữu Hòa dẫn chứng thêm: Thực tế đã có nhiều vụ hai DN kiện nhau, tòa ra bản án, THA thụ lý nhưng khi đến nơi thì DN phải THA đóng cửa ngưng hoạt động, giám đốc bỏ đi mất. Khi xác minh ở ngân hàng thì biết DN này không có tài khoản như đăng ký, tài sản chỉ là một kho bãi đi thuê cộng với vài loại máy móc đã hư hỏng. “Gặp trường hợp này DN được THA luôn kêu gào cho rằng THA chậm chạp và thiếu trách nhiệm nhưng thử hỏi thực tế như vậy thì chấp hành viên làm gì khác được” - ông Hòa nói.

THANH TÙNG

 

Nên giảm bớt thủ tục trong THA

Theo ông Lê Hữu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục THA quận 5 (TP.HCM), một phần khó khăn xuất phát từ quy định nên Luật THA sửa đổi nên giảm bớt một số thủ tục trong quá trình THA. Ví dụ việc hiện nay chấp hành viên phải mời các bên đến để thỏa thuận về phương thức THA như chọn cơ quan thẩm định giá, bán đấu giá tài sản..., thủ tục này không cần thiết. Bởi việc gửi thư mời mất thời gian do phải qua đường bưu điện, chưa kể đương sự tìm cách kéo dài không chịu đến. Trong khi việc này các bên hoàn toàn có thể tự thỏa thuận xong rồi báo cho chấp hành viên. “Một số quy định về xác minh điều kiện THA luật cũng chưa quy định theo hướng thuận lợi cho người được THA. Trong khi thực tế hầu hết người phải THA là người có lỗi và họ thường bất hợp tác với cơ quan THA, đây là điều kiện thuận lợi khiến quá trình THA bị kéo dài hơn mong muốn” - ông Hòa cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm