Đối phó Trung Quốc, Mỹ dỡ bỏ hạn chế với tên lửa Hàn Quốc

Hàn Quốc thông báo Mỹ đã đồng ý cho mình sử dụng nhiên liệu rắn trong các phương tiện phóng vệ tinh không gian, qua đó gián tiếp mở đường cho quốc gia Bắc Á này nâng cấp công nghệ tên lửa của mình, trang tin Defense News cho hay.

Ngày 28-7, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Kim Hyun-chong thông báo tất cả các viện nghiên cứu, công ty và cá nhân Hàn Quốc được quyền tự do phát triển, sản xuất và sở hữu các tên lửa không gian sử dụng nhiên liệu rắn.

Trước đó, theo nguyên tắc chỉ đạo về phát triển tên lửa ở Hàn Quốc, Washington yêu cầu Seoul không được sử dụng nhiên liệu rắn cho các tên lửa không gian để tránh một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Bây giờ, Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ yêu cầu này. 

Tên lửa đẩy Minotaur-C (sử dụng nhiên liệu rắn) của Mỹ mang 10 vệ tinh thương mại vào không gian ngày 31-10-2017. Ảnh: LOS ANGELES DAILY NEWS

Ông Kim nói rằng Hàn Quốc có thể cải thiện đáng kể năng lực tình báo và trinh sát của mình khi họ được quyền sử dụng nhiên liệu rắn (thay vì nhiên liệu lỏng như hiện nay) để phóng các tên lửa mang vệ tinh do thám ở quỹ đạo tầm thấp.

Ông Kim lập luận rằng sự thay đổi này sẽ giúp Seoul giảm chi phí nhiên liệu đi gần 10 lần.

"Trên lý thuyết, chúng tôi có thể phóng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp thông qua các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng nhưng việc đó giống như giao một đĩa jjajangmyeon (một món mì phổ biến ở Hàn Quốc - PV) bằng một xe tải 10 tấn" - ông Kim nói.

Vị quan chức Hàn Quốc nói rằng Seoul không có vệ tinh do thám quân sự trong khi các nước lớn trong khu vực đều có. Do đó, việc được phép phóng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp Hàn Quốc có được "đôi mắt không ngủ" theo dõi tình hình trên bán đảo Triều Tiên tại bất kỳ thời điểm nào.

Chuyên gia tên lửa Lee Choon Geun thuộc Viện Chính sách khoa học và công nghệ Hàn Quốc cho rằng Seoul có thể vận hành hai hoặc ba vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp để giám sát bán đảo Triều Tiên.

Ông Lee nói rằng dù một số loại nhiên liệu lỏng cao cấp có thể tạo ra lực đẩy lớn hơn, việc sử dụng nhiên liệu rắn là dễ dàng hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian.

Chuyên gia Lee cũng cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế này không chỉ giúp Hàn Quốc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ mà còn mở đường cho Seoul phát triển và sở hữu các tên lửa với đầu đạn lớn hơn.

Ông Jung Chang-wook, Giám đốc một cơ quan nghiên cứu mang tên Diễn đàn Nghiên cứu quốc phòng Hàn Quốc, nói rằng đằng sau quyết định vừa được tiết lộ là cái "gật đầu" của Mỹ để Hàn Quốc phát triển công nghệ tên lửa đối phó với Trung Quốc. 

Vệ tinh quân sự Anasis-II của Hàn Quốc được tên lửa đẩy Falcon-9 do Mỹ sản xuất phóng lên không gian. Ảnh: AFP

Cũng trong thông báo ngày 28-7, ông Kim cho biết Seoul vẫn chưa được cho phép sở hữu tên lửa có tầm bắn vượt quá 800 km. Hàn Quốc cho rằng việc dỡ bỏ yêu cầu này là cần thiết cho an ninh quốc gia của mình và vẫn nỗ lực đàm phán với phía Mỹ.

Tuy nhiên, Defense News lưu ý rằng với các tên lửa có tầm bắn 800 km, Hàn Quốc vẫn đủ khả năng tấn công tất cả các vị trí ở Triều Tiên trong trường hợp có xung đột.

Năm 2013, Hàn Quốc đã phóng thành công một vệ tinh quan sát lên quỹ đạo, đánh dấu lần đầu tiên nước này tự phóng một tên lửa không gian trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, tên lửa mà họ sử dụng được phát triển với sự giúp đỡ của Nga.

Cách đây hơn một tuần, vào ngày 20-7, tên lửa đẩy Falcon 9 của Mỹ đã đưa vệ tinh Anasis-II - vệ tinh quân sự đầu tiên của Hàn Quốc - vào quỹ đạo. Vụ phóng vệ tinh diễn ra tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy bang Florida (Mỹ).

Trong khi đó, vào năm 2017, Triều Tiên đã thể hiện năng lực tên lửa của mình với ba lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đủ sức vươn tới lục địa Bắc Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm