Đối sách nào của Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên?

Dù vậy, trong điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì bày tỏ thái độ kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.

TQ được xem là cường quốc duy nhất có thể tác động để CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân bởi TQ viện trợ phần lớn xăng dầu và lương thực cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên ở Đại học Bắc Kinh (TQ) Kim Dong-gil nhận định TQ có thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhưng sẽ không đưa ra bất cứ hành động đơn phương nào chống lại Bình Nhưỡng.

GS Andrei Lankov ở Đại học Kookmin tại Seoul (Hàn Quốc) nhận xét: “TQ có thể tạo ra sự thay đổi quan trọng. Vấn đề là nước này có muốn tạo ra sự thay đổi đó hay không”. Ông cho rằng đối với TQ, sự sụp đổ chính trị ở CHDCND Triều Tiên mới tồi tệ hơn so với cuộc phiêu lưu hạt nhân của nước này.

GS Chu Phong ở Đại học Bắc Kinh ghi nhận vụ thử hạt nhân chắc chắn làm xấu thêm quan hệ TQ-CHDCND Triều Tiên nhưng sẽ không khiến TQ bỏ rơi CHDCND Triều Tiên. Lý do: TQ vẫn xem Bình Nhưỡng là vùng đệm giá trị ngăn binh sĩ Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật.

Chuyên gia Daniel Pinkston ở Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (Bỉ) nhận định CHDCND Triều Tiên sử dụng nguyên liệu plutonium trong hai lần thử trước và nếu lần này sử dụng uranium, Bình Nhưỡng ắt hẳn đã làm chủ quy trình làm giàu uranium như đã từng tuyên bố hồi năm 2010.

Báo Kyonghyang Simmun (Hàn Quốc) ghi nhận vụ thử hạt nhân vừa rồi và vụ phóng tên lửa mang vệ tinh cuối năm ngoái đã trở thành hai yếu tố kết hợp biến CHDCND Triều Tiên trở thành mối đe dọa trực tiếp đến Mỹ. Dù vậy, Bí thư thứ nhất của tổng thống Hàn Quốc Chon Yong-u cho rằng sở hữu hạt nhân và được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là hai vấn đề khác nhau.

Ấn Độ đã thử hạt nhân thành công cách đây gần 40 năm (năm 1974) nhưng đến giờ này vẫn chưa được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (Ấn Độ có vũ khí hạt nhân nhưng không ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân). Tương tự, CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003.

Báo Kyonghyang Simmun cho rằng điều cần làm rõ là thực sự CHDCND Triều Tiên có công nghệ đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân hay không thì các nước mới có thể tìm đối sách với Bình Nhưỡng. Giáo sư Mun Jong-in ở Đại học Yonsei (Hàn Quốc) đánh giá vụ thử hạt nhân thực ra ít mang tính chất gây sức ép với Mỹ hơn là thể hiện ý chí bảo đảm độc lập và tự chủ của CHDCND Triều Tiên.

THẠCH ANH - H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm