Ngày 1-5, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách trừng phạt trong đó có gần 300 cá nhân, tổ chức tại Nga và Trung Quốc (TQ), cho rằng những cá nhân, tổ chức này có hành vi hỗ trợ Nga trong xung đột tại Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Ngoài TQ, nhiều công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng bị trừng phạt vì Washington nghi ngờ những công ty này đã có hành vi hỗ trợ Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết suốt thời gian qua Washington đã liên tục cảnh báo rằng bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi hỗ trợ Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ phải đối mặt các biện pháp trừng phạt thích đáng từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
“Trong các chuyến thăm TQ gần đây của tôi và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, chúng tôi đã cảnh báo các cá nhân và tổ chức của nước này không nên mua bán hoặc đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng Nga. Tuy nhiên, dường như họ đã phớt lờ lời cảnh báo của chúng tôi, và giờ đây nhiều cá nhân, tổ chức của TQ đã bị trừng phạt” - bà Yellen nói thêm.
Theo Reuters, hầu hết các thực thể bị trừng phạt đều liên quan cáo buộc có hành vi hỗ trợ vận chuyển hoặc mua bán công nghệ, thiết bị điện tử, các bộ phận sản xuất máy bay không người lái (UAV), cũng như chất nổ để sản xuất đạn dược cho Nga.
Phản ứng về động thái trên của Mỹ, ngày 1-5, ông Lưu Bằng Vũ - phát ngôn viên Đại sứ quán TQ tại Mỹ cho biết chính quyền Bắc Kinh kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, vô lý của Mỹ.
“Các cá nhân, tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ chỉ thực hiện các tương tác kinh tế và thương mại với Nga. Điều này là phù hợp với nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Biện pháp trừng phạt của Mỹ rõ ràng là bất hợp pháp” - ông Lưu nói.
Phía Nga hiện chưa lên tiếng về lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Theo Reuters, kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Kiev hồi năm 2022, Mỹ đã trừng phạt hàng ngàn cá nhân, tổ chức mà Washington cho là có hành vi hỗ trợ Nga.