Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ đã bắt đầu thiết lập một bến tàu nổi ngoài khơi bờ biển phía bắc Gaza (Palestine).
“Chúng tôi dự định bắt đầu chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza bằng đường biển vào đầu tháng 5” - tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ.
Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm mở những con đường mới để đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, trong bối cảnh Israel được cho là đang chuẩn bị đổ bộ TP Rafah (cực nam Gaza).
Bến tàu nổi trên là nỗ lực đầy tham vọng Mỹ nhằm đưa hàng viện trợ rất cần thiết vào Gaza. Bến tàu cũng có thể là điểm phân phối viện trợ chủ chốt vào Gaza, nếu Israel thực hiện kế hoạch đổ bộ Rafah.
Kế hoạch xây bến tàu ở Gaza
Tổng thống Biden công bố kế hoạch xây một bến tàu tạm thời ở Gaza khi ông phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 7-3. Các quan chức quốc phòng cho biết kế hoạch xây dựng bến tàu được bổ sung vào phút cuối và Lầu Năm Góc đã phải tính toán rất nhiều để tìm cách đưa bến tàu đi vào hoạt động.
Theo Lầu Năm Góc, khi bến tàu xây xong, hàng viện trợ sẽ được kiểm tra tại Cyprus và được chuyển bằng tàu thương mại tới một giàn nổi lớn ngoài khơi bờ biển Gaza. Từ đó, các tàu quân sự nhỏ của Mỹ sẽ đưa hàng viện trợ đến một bến tàu cố định trên bờ biển Gaza.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết xe tải từ nước thứ ba sẽ chuyển hàng viện trợ đến các trung tâm phân phối. Trung tâm phân phối này là nơi Liên Hợp Quốc (LHQ) và các nước khác cung cấp viện trợ cho người dân Gaza. Hoạt động này sẽ được lực lượng Israel và Mỹ bảo vệ.
Theo quan chức này, để phục vụ quá trình trên, hàng trăm lính Mỹ sẽ ở lại trên Vịnh Cardigan (gần nước Anh), một số binh lính khác sẽ đóng tại Cyprus. Các quan chức Mỹ cho biết sẽ không có lực lượng Mỹ nào tiến vào Gaza.
Tướng CQ Brown Jr. – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng có rủi ro và chúng tôi làm mọi thứ có thể để giảm thiểu rủi ro, bằng cách tăng cường năng lực [và] làm việc với Israel”.
Khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng tồi tệ
Ngày 24-4, những người đứng đầu lực lượng quân sự và cơ quan an ninh Israel đã gặp các quan chức Ai Cập để thảo luận về tình hình Rafah, bao gồm việc sơ tán dân thường từ Rafah đến khu vực nhân đạo ở các vùng khác của Gaza.
Sau cuộc gặp trên, các quan chức Ai Cập đã thông tin sơ bộ về kế hoạch của Israel nhằm đổ bộ Rafah. Theo đó, các quan chức Ai Cập cho biết việc chuẩn bị trên thực địa của Israel để tiến vào TP này có thể bắt đầu trong những ngày tới.
Ngày 25-4, một quan chức an ninh Israel cho biết lực lượng Israel đã bắt đầu quá trình rút các bộ phận của sư đoàn 162 – lực lượng chính chiến đấu ở Gaza trong nhiều tháng qua – và thay thế bằng lực lượng mới. Theo The Wall Street Journal, việc thay đổi lực lượng có thể là một phần trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch đổ bộ Rafah.
Vị quan chức này cũng cho biết trước khi thực hiện kế hoạch đổ bộ Rafah, Israel sẽ nỗ lực sơ tán dân thường đang trú ẩn ở TP này.
Cuộc đổ bộ vào Rafah có nguy cơ làm gián đoạn việc cung cấp thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác đến Gaza. Hầu hết viện trợ nhân đạo hiện nay đều đi qua 2 cửa khẩu biên giới ở miền nam Gaza.
Theo một cơ quan LHQ, trung bình mỗi ngày có khoảng 190 xe tải vào Gaza từ 2 cửa khẩu phía nam trong tháng 4. Các số liệu này không bao gồm hàng chục xe tải mà Israel cho vào Gaza thông qua một cửa khẩu mới mở ở phía bắc dải đất. Trước xung đột, khoảng 500 xe tải viện trợ vào Gaza mỗi ngày.
Các quan chức Mỹ nhiều lần kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu phải hành động nhiều hơn để bảo vệ dân thường ở Gaza, đặc biệt trong trường hợp Israel đổ bộ Rafah.
Về tình hình người dân, 2,2 triệu cư dân của Gaza đang phải trải qua nạn đói ở mức độ tồi tệ nhất thế giới. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, người dân Gaza cho biết họ phải ăn thức ăn chăn nuôi và cây cỏ, phải uống nước bẩn đun sôi để sống sót qua ngày. LHQ và các tổ chức khác cảnh báo rằng sẽ có nhiều người thiệt mạng nếu viện trợ nhân đạo không được phép vào khu vực này.
Bến tàu là giải pháp triệt để cho tình hình khủng hoảng nhân đạo?
Một số quan chức Mỹ cho biết bến tàu sẽ giúp đưa thêm viện trợ đến phía bắc Gaza. Tuy nhiên, một số quan chức khác của Mỹ lại nói rằng họ không nghĩ bến tàu sẽ thay thế việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới đất liền của Gaza.
LHQ cũng cho rằng vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu là cách hiệu quả nhất để đưa viện trợ nhân đạo vào dải đất này.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng bến tàu cũng không hề dễ dàng.
Lực lượng Israel cho biết quá trình chuẩn bị thiết lập bến tàu đã bị "các tổ chức khủng bố khác nhau nhắm trúng" vào hôm 24-4. Phía Israel cho biết cuộc tấn công xảy ra khi các quan chức LHQ đang đi thị sát khu vực, nhưng các quan chức này đã đi vào khu vực được an toàn và không có ai bị thương.
Theo The Wall Street Journal, phía Hamas xem những bên nào làm việc với Israel để phân phối viện trợ tại Gaza là những kẻ đối đầu và đe dọa tấn công họ.