Đối thoại Hữu nghị năm 2024: Các thành phố cùng hành động để xây dựng tương lai

Đối thoại Hữu nghị năm 2024: Các thành phố cùng hành động để xây dựng tương lai

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kỳ vọng qua Đối thoại Hữu nghị lần 2, TP.HCM cùng bạn bè quốc tế có thêm cơ hội trao đổi, hợp tác để cùng chuyển đổi công nghiệp, phát triển bền vững. 

Sáng 24-9, TP.HCM tổ chức hội nghị Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác”.

Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM.

doi-thoai-huu-nghi-8.jpg Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2
Toàn cảnh phiên Hội nghị Thị trưởng trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thúc đẩy tinh thần hữu nghị để đạt mục tiêu chung

Nhắc lại về chủ đề của Đối thoại Hữu nghị lần 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng chuyển đổi công nghiệp là một yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM và các đô thị trên toàn thế giới. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.

“Để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn” - ông Mãi thông tin.

doi-thoai-huu-nghi-5.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo ông Phan Văn Mãi, chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. “Đây chính là lý do tại sao Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới”- ông Mãi khẳng định.

Ông Phan Văn Mãi cũng kỳ vọng thông qua những nỗ lực chung, TP.HCM cùng bạn bè quốc tế có thể phát triển các giải pháp sáng tạo cho những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.

doi-thoai-huu-nghi-6.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gặp gỡ đại diện các địa phương quốc tế. Ảnh: NGUYỆT NHI

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng cam kết TP sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới.

“TP.HCM tin rằng, thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn” - ông gửi gắm.

doi-thoai-huu-nghi-1.jpg
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với lãnh đạo các địa phương quốc tế. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các TP cùng hành động để xây dựng tương lai

Phát biểu tại Hội nghị Thị trưởng, ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng TP Torino (Ý), cho rằng vai trò của các TP trong quan hệ quốc tế ngày càng trở nên quan trọng.

Cũng theo ông Stefano Lo Russo, quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và TP Torino đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là trong các lĩnh vực đổi mới, công nghệ bền vững.

doi-thoai-huu-nghi-7.jpg
Lãnh đạo Trung ương và TP.HCM tại Hội nghị Thị trưởng. Ảnh: NGUYỆT NHI

"Rõ ràng là các TP không thể hành động một mình. Sự hợp tác giữa các tổ chức công và doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững. Sự hợp tác giữa Torino và TP.HCM là một ví dụ cụ thể về cách hợp tác quốc tế giữa các TP có thể phát triển và tiến bộ" - Thị trưởng TP Torino nói.

Ông Takahashi Toru, Phó Thị trưởng TP Osaka, Nhật Bản, cũng cho biết địa phương này đã có mối quan hệ hợp tác với TP.HCM ở nhiều lĩnh vực, qua đó cùng phát triển.

doi-thoai-huu-nghi-4.jpg
Bí thư Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch Phan Văn Mãi chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cụ thể, ngoài mối quan hệ đối tác kinh doanh, trong lĩnh vực môi trường, TP Osaka còn hợp tác với TP.HCM trong việc thúc đẩy “Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của TP.HCM (CCAP)”; hợp tác trong 13 dự án Cơ chế tín dụng chung (JCM) góp phần khử cacbon...

Tại phiên hội nghị, ông Takahashi Toru cũng chia sẻ kinh nghiệm với TP.HCM trong việc xây dựng Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Osaka, Trung tâm Đổi mới Osaka... nhằm hỗ trợ TP.HCM chuyển đổi công nghiệp.

Ngoài ra, tại Hội nghị Thị trưởng, đại diện các địa phương quốc tế để chia sẻ thêm kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình chuyển đổi công nghiệp tại địa phương và đề xuất nhiều ý tưởng hợp tác mới với TP.HCM.

Công tác đối ngoại của địa phương có ý nghĩa quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đánh giá cao sáng kiến của TP.HCM trong việc tổ chức Đối thoại Hữu nghị lần 2.

Bà Hằng cũng cho rằng trải qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 30 nước Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện.

z5861861028271_136ddc368147baac5dd63817a95f8eda.jpg
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Công tác đối ngoại của địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việt Nam cũng không thể đạt được những thành tựu to lớn như trên nếu thiếu sự hợp tác, ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế”- bà Hằng nhìn nhận.

Bà Hằng cũng cho rằng đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp cũng là giải pháp then chốt để các quốc gia nâng cao khả năng phục hồi, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tạo ra sự phát triển nền tảng.

“Tôi mong muốn qua Đối thoại Hữu nghị hôm nay, lãnh đạo các địa phương cùng trao đổi để làm rõ nhiều vấn đề, đâu là cơ hội thách thức đặt ra, làm sao đưa nguồn nhân lực, khoa học công nghệ trở thành đột phá trong quá trình chuyển đổi công nghiệp,…” - bà Hằng kỳ vọng.

Đọc thêm