Không ngoài dự đoán của các chuyên gia, trong cuộc Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung ngày 21-6 Mỹ đã thúc giục Trung Quốc tăng áp lực kinh tế, ngoại giao lên Triều Tiên thêm nữa để kiềm chế các chương trình hạt nhân-tên lửa nước này.
“Chúng tôi đã lặp lại với Trung Quốc rằng họ có trách nhiệm ngoại giao phải tăng thêm nữa áp lực kinh tế và ngoại giao với Triều Tiên, nếu họ muốn bất ổn khu vực không leo thang thêm nữa” - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau cuộc đối thoại mà hai ông dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Dẫn đầu phái đoàn phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy.
Hai phái đoàn Mỹ (trái) và Trung Quốc (phải) tại Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung ngày 21-6 tại Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Tillerson cho biết ông đã đề nghị Trung Quốc có biện pháp trấn áp các hoạt động trái phép của Triều Tiên nhằm cung cấp tài chính cho các chương trình hạt nhân-tên lửa. Phía Trung Quốc đã đồng ý sẽ không để các công ty của mình giao dịch làm ăn với các công ty Triều Tiên bị trừng phạt. Mỹ vài tháng nay đang cân nhắc sẽ trừng phạt thứ phát các ngân hàng, công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
Bộ trưởng Mattis thề “sẽ tiếp tục có các biện pháp cần thiết để tự vệ và bảo vệ các đồng minh” trước đe dọa Triều Tiên. Triều Tiên hiện đang phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Mỹ.
Một ngày trước khi diễn ra đối thoại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận xét trên Twitter rằng Trung Quốc đã không kiềm chế nổi Triều Tiên dù có hợp tác với Mỹ và cố gắng gây áp lực.
Ngày 21-6, sau khi xuất hiện phát ngôn của ông Trump trên Twitter, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói mình đã có “nỗ lực không ngừng nghỉ” giải quyết căng thẳng bán đảo Triều Tiên nhưng là vì quyền lợi của mình, chứ không phải vì áp lực bên ngoài.
Từ phát ngôn của ông Trump nhiều chuyên gia nhận định có khả năng chính phủ Trump sẽ thay đổi chiến lược đối phó với Triều Tiên cũng như thay đổi chính sách với Trung Quốc. Tuy nhiên tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Tillerson cho biết ông Trump sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay. Về phần mình, Bộ trưởng Mattis cho biết hai bên đã thống nhất mở rộng quan hệ quân sự. Các chi tiết này có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trump xác định sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển quan hệ với Trung Quốc, dù có chưa hài lòng về kết quả kiềm chế Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis (giữa) tại Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung ngày 21-6 tại Mỹ. Ảnh: REUTERS
Khi được hỏi liệu có phải ông Trump mất niềm tin ở khả năng kiềm chế Triều Tiên của Trung Quốc khi phát ngôn như thế, Bộ trưởng Mattis nói rằng lời nói của ông Trump thể hiện sự thất vọng của phía Mỹ với sự khiêu khích của Triều Tiên sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier. Trong ngày 21-6, ông Trump nói Mỹ “có quan hệ tốt với Trung Quốc và tôi thật sự thích Chủ tịch Tập”.
Ngoài Triều Tiên là vấn đề chiếm thời lượng lớn, cuộc đối thoại cũng đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Phía Mỹ một lần nữa phản đối việc Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền bằng cách cải tạo và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông.