Bà Tâm giữ cương vị cổ đông sáng lập và tổng giám đốc điều hành của Miniso Việt Nam. Hồi tháng 9-2016, Miniso gia nhập thị trường bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu với Công ty Cổ phần Mini số Việt Nam. Thời điểm đó, bà Dương Thanh Tâm kỳ vọng sẽ mở 200 cửa hàng trong năm năm tới.
Sau gần một năm hoạt động, Miniso hiện có 24 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An; tổng lượt khách hàng trên 20 triệu người. Mỗi ngày, hệ thống đón tiếp 8.000 lượt khách ghé thăm, mua sắm. Các cửa hàng của thương hiệu có diện tích từ 150 m2 đến 300 m2 đều ở khu vực đông dân cư, gần các công sở, trường học, trung tâm thương mại,...
Thương hiệu Miniso khá được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.
Chia sẻ lý do chia tay Miniso Việt Nam, bà Tâm cho biết với báo chí: "Ở vai trò là nhà đầu tư khi mua nhượng quyền thương hiệu Miniso về Việt Nam, thì các cổ đông đã có định hướng chiến lược phát triển đến một giai đoạn nào đó sẽ cổ phần hóa hoặc bán. Sau hai năm xây dựng và phát triển Miniso Việt Nam, cá nhân tôi nhận định đây là thời điểm thích hợp để bán".
Bà Tâm cho biết bà đã có kế hoạch cho công việc mới nhưng chưa thể chia sẻ tại thời điểm này do yêu cầu về bảo mật thông tin.
Hiện, Miniso Việt Nam được điều hành và quản lý trực tiếp từ đội ngũ nhân sự do hãng Miniso Trung Quốc cử sang. Trước câu hỏi liệu rằng việc rời đi lần này có liên quan đến việc các đối thủ của Miniso như Mumuso đang phát triển rất rầm rộ không, bà Tâm cho rằng đến thời điểm này, Miniso vẫn là thương hiệu có thị phần số 1 tại Việt Nam so với các thương hiệu tương đồng khác.
"Tôi không coi họ là đối thủ của mình. Với quan điểm cá nhân tôi thì đối thủ của mình chính là thành công mình đã tạo ra và chính là những kỳ vọng mà thị trường và khách hàng mong muốn nhận được. Khi dẫn dắt Miniso, tôi luôn lấy mục tiêu vượt qua những gì mình đã làm và đáp ứng nhiều hơn so với sự mong đợi của khách hàng là mục tiêu để phát triển. Tôi không quan tâm đến các thương hiệu khác sẽ làm gì" - cựu CEO Miniso Việt Nam cho biết.
Nhưbáo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, mới đây, đối thủ cạnh tranh của Miniso là Mumuso vấp phải "bão" dư luận khi Bộ Công Thương phát đi thông tin về kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (giai đoạn 2016-2018).
Trong khi đó, chuỗi bán lẻ Miniso tại Việt Nam cũng vấp phải những vấn đề liên quan tới nguồn gốc sản phẩm khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về xuất xứ của Miniso đến từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Từng trao đổi trên báo chí, CEO Miniso tại Việt Nam cho biết thương hiệu này có trụ sở đặt tại Tokyo (Nhật Bản) nhưng 80% hàng Miniso là hàng Trung Quốc.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Hà Nội, chia sẻ với báo chí, ưu thế của Mumuso, Miniso là sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý và hai thương hiệu này đã có một chiêu marketing hiệu quả - mập mờ thương hiệu, đánh vào tâm lý chuộng hàng Nhật, hàng Hàn Quốc của người Việt Nam trong khi sản phẩm chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc.