Có thể nói rằng về mặt hình thể, đội tuyển Việt Nam là đội nhỏ nhất trong số 24 đội dự vòng chung kết Asian Cup 2019. Chỉ so sánh ba đội của Đông Nam Á không thôi, tức Thái Lan, Philippines và Việt Nam thì tuyển Việt Nam có thể hình khiêm tốn nhất rồi.
Trước đây khi còn làm ở bóng đá Việt Nam, nhất là đội tuyển, HLV Calisto luôn bác bỏ yếu tố thể hình đóng vai trò quan trọng nhất. Vấn đề là sức mạnh và sức bền, sức bật cùng với đó chọn cách chơi phù hợp là yếu tố quan trọng.
HLV Calisto luôn chỉ ra thể hình không phải là “chìa khóa” thành bại của một nền bóng đá. Ngoài việc chỉ tên các cầu thủ như Maradona, Messi, Owen…, ông Calisto còn chỉ ra các đội bóng như Ý, Tây Ban Nha có thể hình khiêm tốn hơn nhiều so với cầu thủ Anh, Đức hay các đội Bắc Âu… nhưng họ nhỏ mà giỏi.
Đội tuyển Việt Nam trẻ nhất với đội hình tuổi bình quân 23 dự Asian Cup 2019. Ảnh: NGỌC DUNG
Văn Đức nhỏ con nhưng vẫn có cách chọn vị trí tốt nhất để đánh bại hai cầu thủ to cao nhất của Malaysia. Ảnh: NGỌC DUNG
Theo HLV Calisto, quan trọng nhất của cầu thủ Việt Nam là chọn cách chơi phù hợp, tập luyện tăng sức mạnh, sức bền, sức bật của cơ bắp thì sẽ thành công.
Thật vậy, cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản không hơn cầu thủ Việt Nam nhiều về hình thể nhưng độ cứng cáp, độ dày và độ chắc của xương… thì họ hơn hẳn nhờ luyện tập nhiều và dinh dưỡng tốt.
Tại World Cup 2018, người hâm mộ chứng kiến Hàn Quốc tiễn nhà vô địch Đức về nước như thế nào. Tuyển Nhật làm cho tuyển Bỉ, tập hợp những ngôi sao hàng đầu thế giới đã khổ sở như thế nào…
Lại phải đi đến kết luận của HLV Calisto: Vấn đề tiên quyết là sức mạnh cơ bắp và sức bền…
Tuyển Việt Nam khi bơi ra biển lớn thì phải chạm trán với những cầu thủ cao to. Ngay tại bảng D, Asian Cup 2018 này thì các học trò HLV Park Hang-seo đối đầu với ba đối thủ Tây Á như Yemen, Iran và Iraq mà nhất định ở đó những Quang Hải, Công Phượng và Văn Toàn, Hồng Duy… chỉ đứng tới ngực họ mà thôi.
Nhưng các cầu thủ Việt Nam cũng đã quen rồi, chẳng sao cả, vấn đề là cách chơi thế nào. Vòng chung kết U-23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc đầu năm nay thì từ vòng bảng cho đến chung kết, U-23 Việt Nam toàn đối đầu với cầu thủ cao to nhưng lần lượt U-23 Việt Nam đánh bại như Úc, Iraq, Qatar… mà lại chơi trong điều kiện lạnh giá, băng tuyết phủ đầy sân.
Cách đây ít ngày thì một cầu thủ nhỏ con khác nhưng rất nổi tiếng ở Đông Nam Á là Messi Thái Chanathip đang chơi bóng cho CLB Consadole Sapporo của Nhật đã có những danh hiệu cá nhân, ngoài việc Chanathip được bầu chọn vào đội hình 11 vị trí tiêu biểu J-League 1 mùa 2018 (do ban chuyên môn J-League 1 bầu chọn). Tiếp theo Chanathip cũng đoạt luôn danh hiệu cầu thủ hay nhất J-League 1 (do 18 đội trưởng CLB J-League 1 bầu chọn). Nên nhớ Chanathip là cầu thủ nhỏ con nhất của đội tuyển Thái Lan và có thể hình rất khiêm tốn như kiểu Quang Hải của Việt Nam mà thôi.
Điều đáng nói là khi các đội trưởng bầu chọn thì phải có lời bình, nhận xét về cầu thủ mình bầu chọn. Tất cả dành cho Chanathip những lời đầy tôn trọng, nhất là về chuyên môn.
Danh hiệu cá nhân của Chanathip vượt lên trên các ngoại binh rất chất lượng ở J-League 1. Danh hiệu đó của Chanathip có thể là bức thông điệp đánh tan sự mặc cảm về hình thể của cầu thủ Đông Nam Á.
Tuyển Việt Nam ở bảng D và thậm chí là ở vòng chung kết Asian Cup 2019 này là đội có thể hình khiêm tốn nhất giải. Nhưng điều đó có sao đâu.
Nói như nhiều người vẫn hay ví von là “nhỏ mà có võ”.
Đội hình trẻ nhất châu Á tại Asian Cup 2019 Độ tuổi bình quân của đội tuyển Việt Nam là 23, trẻ nhất trong số 24 đội tuyển tham dự Asian Cup 2019. Trẻ nhất là Đoàn Văn Hậu mới 19 tuổi và lớn nhất là Trọng Hoàng 29 tuổi. Ngược lại, đội bóng lớn tuổi nhất là Trung Quốc có độ tuổi bình quân 28,7 với Gou Quanbo trẻ nhất 21 tuổi và Zheng Zhi lớn tuổi nhất, 38 tuổi. Trẻ thứ nhì sau Việt Nam là đội tuyển Iraq có độ tuổi trung bình 24 và cũng là đội cùng bảng D với Việt Nam. Đ.TR |