Đảng trung hữu Nhân dân tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 15-3, vượt qua đảng cực hữu chống Hồi giáo, chống EU vì tự do (PVV) của ông Geert Wilder.
Theo hãng tin quốc gia Hà Lan ANP, với 11% số phiếu được kiểm, đảng VVD của Thủ tướng Rutte được dự đoán sẽ giành được 32 ghế trong tổng 150 ghế Quốc hội.
Dù con số này có giảm so với số 41 ghế năm 2012 nhưng vẫn đứng trên đảng PVV của ông Wilder xếp thứ ba với 20 ghế. 20 ghế cũng có thể coi là phần nào thắng lợi với đảng PVV - vốn chỉ đạt 15 ghế năm 2012. Đứng thứ hai là đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDA) với 21 ghế. Tỉ lệ người đi bầu trong ngày bỏ phiếu 15-3 là 81%, mức cao nhất trong vòng 30 năm nay.
Thủ tướng Mark Rutte (thứ hai từ phải sang) và người ủng hộ tối 15-3. Ảnh: REUTERS
Ông Wilder được xem là một "Donald Trump” của Hà Lan vì có quan điểm chống Hồi giáo mạnh. Theo AFP, chiến thắng của ông Rutte với ông Wilder có thể xem là một sự giải tỏa lớn khiến cả châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng cực hữu gia tăng tạm thở phào. Đây là sự trấn an đặc biệt với Pháp và Đức, vốn sắp sửa bầu cử vào tháng 5 và tháng 9 trong bối cảnh phe cực hữu đang ngày càng chiếm ưu thế.
Ông Geert Wilder tại điểm bỏ phiếu ngày 15-3. Ảnh: REUTERS
Ngay sau khi có kết quả ban đầu, Thủ tướng Rutte đã nhận được hàng loạt thông điệp và điện thoại chúc mừng từ nhiều nước châu Âu. Trên Twitter, Chánh Văn phòng thủ tướng Đức Peter Altmaier đại diện Thủ tướng Angela Merkel không thể kiềm chế niềm vui: “Hà Lan, Hà Lan vô địch! Chúc mừng kết quả tuyệt vời này”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault viết trên Twitter: “Chúc mừng Hà Lan đã khống chế được đà trỗi dậy của phe cực hữu”.
Chuẩn bị kiểm phiếu tối 15-3. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên nhiều chuyên gia thận trọng rằng không thể căn cứ thất bại lần này của ông Wilder mà cho là làn sóng cực hữu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở châu Âu đã bị đánh bại.
“Ông ta không đại diện cho cả làn sóng dân túy. Ông ta là một phần của bối cảnh chính trị và thất bại của đảng ông ta không nói lên gì nhiều về chủ nghĩa dân túy ở châu Âu. Câu trả lời thực sự nằm ở cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp, xem liệu bà Marine Le Pen có thành tổng thống Pháp hay không” - theo nữ giáo sư xã hội học Mabel Berezin tại ĐH Cornell (Mỹ).