Đóng bảo hiểm cả chục triệu/năm nhưng không được bồi thường

Ngày 30-10, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình sản xuất của các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và báo cáo tình hình tàu cá hoạt động kém hiệu quả, nằm bờ trong thời gian qua.

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá 187 trường hợp, đã đóng mới hoàn thành được 114 tàu cá. Trong đó có 18 tàu cá vỏ thép, tám tàu cá vỏ composite và 88 tàu cá vỏ gỗ. Địa phương đóng mới nhiều nhất là huyện đảo Phú Quý: 88 chiếc.

Kết quả kiểm tra, rà soát: Số tàu đang hoạt động bình thường là 108 chiếc (96,4%), số tàu nằm bờ không hoạt động bốn chiếc. Về hiệu quả tàu hoạt động có lãi 40 chiếc (37%); 33 chiếc huề vốn (30,5%) và đang bị thua lỗ 35 chiếc (32,5%).

Riêng đối với tàu cá vỏ composite thì càng thê thảm hơn, tổng cộng có bảy chiếc đều đang hoạt động bình thường nhưng chưa có tàu cá hoạt động có lãi, số tàu huề vốn năm chiếc (71,4%) và số tàu đang bị thua lỗ hai chiếc (28,6%).

Lý giải nguyên nhân này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tàu composite và một phần lớn tàu vỏ thép (77%) hoạt động chưa có hiệu quả do ngư dân chưa quen sử dụng, chi phí sản xuất lớn và nghề dịch vụ thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, việc mua bảo hiểm ngư lưới cụ và trang thiết bị khai thác có quá nhiều bất cập và đang gây bức xúc đối với các chủ tàu.

Do tài sản đầu tư từ nguồn vốn vay nên ngân hàng cho vay bắt buộc chủ tàu phải mua bảo hiểm hạng mục này. Thế nhưng theo quy tắc bảo hiểm, ngư lưới cụ và thiết bị khai thác chỉ được bồi thường khi bị tổn thất 100% theo tàu.

Điều này có nghĩa là quá trình hoạt động ngư lưới cụ nếu bị rủi ro mất mát, hư hỏng sẽ không được bồi thường, chỉ khi nào tàu cá bị chìm đắm, cháy nổ tổn thất toàn bộ trong đó có ngư lưới cụ thì mới được bồi thường.

Nhiều chủ tàu rất bức xúc, đặc biệt là chủ tàu vỏ composite cho rằng tàu của họ sẽ không bao giờ bị mất toàn bộ vì tàu có bị chìm thì vẫn còn nổi, như vậy ngư cụ của họ sẽ không bao giờ được bồi thường theo quy tắc bảo hiểm.

Như vậy, mỗi năm các chủ tàu phải mất một khoản phí lên đến hàng chục triệu đồng cho khoản đóng bảo hiểm này nhưng hoàn toàn không được một bất kỳ một quyền lợi nào.

Ngay cả chính sách hỗ trợ bảo hiểm mới nhất thì phần giá trị bảo hiểm thân tàu được tính hỗ trợ cũng không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu.

“Vì vậy, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết việc này, tránh gây thiệt hại cho ngư dân” - ông Huy nói.

Theo tỉnh Bình Thuận, sau bốn năm triển khai thực hiện Nghị định 67, năng lực sản xuất nghề cá của tỉnh đã được bổ sung tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, ngư dân đã mạnh dạn sử dụng tàu cá vỏ thép, vỏ composite, đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến, du nhập đầu tư phát triển một số nghề mới có phương thức đánh bắt hiện đại.

Nhờ đó đã cơ giới hóa hoạt động khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và độ an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển. Đặc biệt, hoạt động của đội tàu cá đóng mới, nâng cấp đã tăng cường sự hiện diện của tàu cá Việt Nam trên các vùng biển xa góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên về những hạn chế, tồn tại theo UBND tỉnh là do mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và các cơ quan chuyên ngành thủy sản còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong quá trình xét duyệt cũng như trong quá trình thẩm định cho vay.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiều chủ tàu đã gặp không ít khó khăn lúng túng, từ khâu lập phương án sản xuất, lựa chọn thiết kế kỹ thuật, trang thiết bị, tính toán giá thành, tổ chức giám sát thi công… Do đó đã làm cho tàu cá đầu tư chưa đồng bộ, thời gian thi công bị kéo dài, giải ngân không theo tiến độ thi công, làm tăng chi phí giá thành đầu tư.

Trước tình hình này, Bình Thuận đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm có hướng dẫn biện pháp chế tài thu hồi, chuyển đổi chủ đầu tư đối với chủ tàu cá nằm bờ không có khả năng đưa tàu vào hoạt động, để tài sản đầu tư bị mất mát và xuống cấp làm ảnh hưởng đến chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ tại địa phương.

Đối với tàu cá hoạt động kém hiệu quả, tình hình thời tiết ngư trường ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường gây bất lợi cho hoạt động sản xuất trên biển. Vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét kiến nghị cho những trường hợp chủ tàu cá hoạt động bị hòa vốn hoặc bị lỗ thật sự cơ cấu lại nợ vay nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 và không bị chuyển nhóm nợ...

 

Tàu đánh bắt xa bờ và tàu hậu cần ở đảo Phú Quý. (Ảnh minh họa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm