Đồng bộ phố Lê Lợi - Nguyễn Huệ thành quảng trường hiện đại

(PLO)- Các chuyên gia giao thông, đô thị đều ủng hộ việc triển khai phố đi bộ Lê Lợi, trong đó chú trọng sự đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ để tạo thành một quảng trường thu hút khách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Về đề xuất đưa tuyến đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) trở thành phố đi bộ, các chuyên gia đánh giá là cần thiết và nên sớm triển khai. Do đó, TP.HCM cần nắm bắt thời cơ để đưa phố đi bộ này đồng bộ với phố Nguyễn Huệ, trở thành điểm nhấn như một quảng trường văn hóa, lịch sử cho cả TP.

Đường Lê Lợi, quận 1 có vị trí rất đẹp tại trung tâm TP.HCM. Ảnh: ĐT

Đường Lê Lợi, quận 1 có vị trí rất đẹp tại trung tâm TP.HCM. Ảnh: ĐT

Cần đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ

Ông Nguyễn Kim Toản, chuyên gia giao thông, đánh giá đề xuất xây dựng phố đi bộ Lê Lợi cần sớm triển khai và nên kết nối đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ.

“Hai tuyến phố đi bộ này đều có các điểm đến văn hóa, lịch sử, thu hút khách du lịch. Điều chúng ta cần đặt ra là làm sao đáp ứng các tiêu chí văn minh, hiện đại và thông thoáng để đem đến hình ảnh của một TP lớn, giống như quảng trường hiện đại của New York (Mỹ)…” - ông Toản nói.

Theo ông Toản, nên trùng tu, giữ lại các giá trị văn hóa, lịch sử, để mang đến luồng sinh khí mới cho TP. Cạnh đó, cần bổ sung nhiều khuôn viên cho cây xanh, cỏ, nước... còn mua sắm thì người dân có thể xuống những tầng ngầm của ga metro. TP cũng cần phải chú trọng các tiện ích cơ bản như nhà vệ sinh, nơi uống nước sạch, cột thông tin, vị trí ngồi nghỉ ngơi, hay âm nhạc đường phố cũng cần được chú trọng phát triển.

Ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam (đơn vị khai thác xe buýt hai tầng ở TP.HCM), cho rằng trục đi bộ Lê Lợi cần làm sớm và đây sẽ là tuyến phố thực sự thu hút trong thời gian tới. Điều cần thiết là phải đưa phố này trở thành điểm nhấn, một quảng trường như Times của New York.

Để làm được điều này, ngành chức năng cần tính toán các quy hoạch cụ thể để người dân nhớ tới TP. Khi làm tuyến phố Lê Lợi cần có tổ chức nghiên cứu kỹ cả về giao thông, kiến trúc cảnh quan nhằm tạo sự đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đối với vấn đề hàng rong cũng cần có tính toán có quy hoạch, có hệ thống thì vẫn đẹp mà còn trở thành văn hóa thức ăn đường phố. Nếu chúng ta khai thác tốt thì chúng ta cũng phát triển mạnh như Thái Lan, Hàn Quốc hoặc Hội An (Quảng Nam)… và nó sẽ là một trong những điểm nhấn đa sắc màu của TP.HCM.

Quận 1 có đề xuất phố đi bộ đường Lê Lợi và cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu đề xuất đó và bổ sung về mặt quy hoạch. Về cơ bản thì ủng hộ và xem xét về mặt quy hoạch đề xuất này. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm về mặt tổ chức giao thông như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất cho khu vực.

KTS HUỲNH XUÂN THỤ, Phó Chánh Văn phòng Sở QH-KT TP.HCM

Có thể phát triển thành trung tâm kinh tế

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), cho biết phố đi bộ ở đường Lê Lợi sẽ kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Hàm Nghi và có thể kéo dài đến hồ Con Rùa, tạo ra khu phố đi bộ. Nó không chỉ đơn thuần là phố đi bộ mà còn tạo ra một trung tâm kinh tế, các nước trên thế giới cũng làm và gọi là kinh tế đêm.

Để làm được điều này, thứ nhất là các sở chức năng phải tham gia một cách tích cực như Sở QH-KT TP, Sở Xây dựng, Sở TT&TT. Cần tạo ra các công trình như bồn hoa, cây cảnh, tiểu cảnh, tượng đài trang trí, đèn ánh sáng, ghế ngồi… Người dân thì cần có ý thức để tạo ra một phố kinh doanh hấp dẫn như cách trưng bày, mặt hàng, bài trí.

Thứ hai, nếu là phố đi bộ thì xe không được vào, vậy vấn đề là xe để đâu. TP.HCM đang thiếu các bãi xe ngầm khi nhiều dự án bãi xe ngầm chưa thực hiện được. Được biết lãnh đạo TP đã “bật đèn xanh” cho làm bãi đậu xe nổi cao tầng.

Thứ ba, vấn đề trật tự an ninh, muốn đảm bảo trật tự an ninh thì cần có quy chế riêng cho khu vực đó để xử phạt, chế tài. Ở Singapore, các điều khoản chế tài nơi công cộng được công bố trước ba tháng và đến khi phạt, họ phạt rất nặng như búng tàn thuốc lá phạt đến 300 đô Sing (khoảng 5 triệu đồng), nhổ nước bọt nơi công cộng phạt 1.000 đô Sing (hơn 15 triệu đồng)…

Thứ tư, cần lưu ý hệ thống công nghệ thông tin, theo dõi và điều hành bằng cảm biến, camera, theo dõi và xử phạt bằng hệ thống camera này rất hiệu quả.

Thứ năm, về bán hàng rong, ở Singapore và Thái Lan, người bán hàng rong bán trong khu vực này phải khám sức khỏe, rồi coi mặt hàng nào có thể bán được, mặt hàng nào không và họ làm rất kỹ chuyện này. Khi bán hàng, người bán phải mang găng tay, thực phẩm thì phải được kiểm tra và còn phải biết tiếng Anh mức tối thiểu.

Ngoài các vấn đề trên, cần xem phố đi bộ Lê Lợi còn kết hợp với trung tâm thương mại ngầm dưới bùng binh Quách Thị Trang của ga metro số 1. Điều này sẽ tạo thành khu đi bộ, mua sắm lớn nên vấn đề quản lý sẽ cần hệ thống lớn để quản lý con người, cơ sở vật chất, an ninh trật tự…•

Cần chú trọng tổ chức giao thông

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng một TP văn minh thì rất cần các phố đi bộ. Khu phố đi bộ sẽ tạo ra một không gian, cuộc sống yên bình cho một khu vực nào đó như khu trung tâm. Điều này là rất tốt về mặt quy hoạch.

Tuy nhiên, làm phố đi bộ cũng cần lưu ý về việc tổ chức giao thông, như đường Lê Lợi đang nối với đường Pasteur thành trục giao thông. Khi đường Lê Lợi thành đường đi bộ thì cần có trục khác thay thế hoặc tổ chức giao thông như thế nào cho phù hợp với khu vực, việc này phải tính toán cho kỹ.

Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu tâm lý khách hàng, tâm lý những người tham gia phố đi bộ để có những điều chỉnh hợp lý, như có phố đi bộ có cần thêm xe điện tốc độ chậm di chuyển chẳng hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm