Đóng bổ túc tiền sử dụng đất 23 tháng chưa xong

Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã kiến nghị những sửa đổi, cải tiến về thủ tục tại hội thảo lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng: “Cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản hiện nay”, do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Ủy ban Khoa học và Công nghệ môi trường Quốc hội phối hợp tổ chức ngày 15-9.
Tốn tiền tỉ mỗi tháng vì thời gian kéo dài
Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Tư vấn và Xây dựng Tân, cho biết lãng phí thời gian trong đầu tư xây dựng rất lớn, làm thủ tục dự án thời gian dường như… vô tận. Không phải doanh nghiệp cứ có đất, chỉ hai năm hoặc ba năm sau là có thể triển khai dự án. Như doanh nghiệp ông chỉ xin đóng bổ túc tiền sử dụng đất mất… 23 tháng chưa xong, đó là chưa kể các thủ tục khác.
“Một dự án của chúng tôi trị giá khoảng 200 tỉ đồng, nếu vay lãi suất 1,5%/tháng thì mỗi tháng phải trả 3 tỉ đồng tiền lãi, như vậy mỗi ngày tôi phải trả chi phí lãi vay 100 triệu đồng. Thời gian làm hồ sơ dự án càng kéo dài thì chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu càng lớn” - ông Đực phân tích.
Ngoài ra, ông Đực chỉ ra một nghịch lý là tính thiết kế kỹ thuật trên giá thành xây dựng, điều này gây lãng phí vì dự án đội giá thành lên cao.   

Nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian làm các thủ tục hồ sơ dự án quá lâu gây lãng phí trong đầu tư xây dựng rất lớn. 

Vì vậy, theo ông Đực, về khâu thẩm tra thiết kế xây dựng, Nhà nước chỉ cần thẩm tra thiết kế cơ sở là đủ, về hình dáng công trình, biện pháp xây dựng còn thiết kế kỹ thuật là chuyện của nhà thầu, chủ đầu tư. Nên chăng chia ra chủ đầu tư tư nhân thì miễn khâu thẩm tra thiết kế kỹ thuật, còn chủ đầu tư quốc doanh thì cần thẩm tra kỹ khâu này vì sử dụng vốn ngân sách. 
Đại diện Him Lam Land góp ý đối với những dự án được quy hoạch 1/500, kiến nghị với Bộ, sau khi quy hoạch xong, được cấp phép xong thì quy trình cấp phép xây dựng đối với các doanh nghiệp đã triển khai xong các khâu trên được thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp này cũng kiến nghị nên gộp lại quy trình cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.  
Nói rõ hơn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Nhưng theo pháp luật xây dựng hiện nay thì lại tách thành ba quy trình gồm thẩm định thiết kế cơ sở; thẩm định thiết kế kỹ thuật; cấp giấy phép xây dựng.

Đại diện hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi ý kiến với đại diện Bộ Xây dựng tại hội thảo.

Hiện nay, Sở Xây dựng TP.HCM đã tích hợp các quy trình thẩm định thiết kế xây dựng vào quy trình cấp giấy phép xây dựng. Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày.
Trước mắt, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Phân cấp và giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình có đặc thù riêng.
Không nên bắt buộc sử dụng vật liệu không nung
Theo đại diện Công ty Him Lam Land, về vật liệu xây dựng công trình, hiện nay Bộ Xây dựng yêu cầu đối với các công trình cao tầng nên sử dụng vật liệu không nung. Thế nhưng quy định này gây khó khăn với các doanh nghiệp vì vật liệu không nung vẫn có nhiều nhược điểm dẫn đến khâu bảo hành, khâu kỹ thuật của dự án không đảm bảo. Vì vậy đối với vật liệu không nung, Bộ chỉ nên khuyến cáo, khuyến khích sử dụng chứ không nên bắt buộc.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Xây dựng chỉ nên khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng dự án chứ không bắt buộc.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng Bộ Xây dựng không nên bắt buộc doanh nghiệp xây dựng công trình cao tầng phải sử dụng vật liệu gạch không nung. Dù biết sử dụng vật liệu không nung là bảo vệ môi trường, xây dựng các công trình xanh, thế nhưng kích thước gạch không nung to hơn gạch thông thường, nặng hơn, thi công vất vả, mất thời gian hơn.
"Hiện nay, quy định 100% dự án nhà ở xã hội, dự án có 30% vốn ngân sách phải sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên, Bộ chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu không nung chứ không nên quy định mang tính bắt buộc" - ông Châu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm