Đồng cam cộng khổ, chứ đừng dễ làm, khó bỏ!

Đây là nước đi tiên phong trong lĩnh vực liên kết. Trong các mối quan hệ kinh tế của một đất nước, sản xuất-phân phối là quan trọng nhất bởi sản xuất mà không có phân phối cũng không biết bán hàng cho ai, không có đầu ra sản phẩm; còn phân phối mà không có sản xuất sẽ không có đầu vào. Sản phẩm cạnh tranh được là nhờ sản xuất và phân phối. Sản xuất sạch và có khâu phân phối với giá hợp lý là sự liên kết cần thiết cho hàng Việt hiện nay.

Theo ông Phú, sự liên kết các DN mang tính nhân văn. Khi các siêu thị giảm chiết khấu bằng 0% sẽ có điều kiện giảm giá bán, người nghèo sẽ có cơ hội tiếp cận siêu thị. Cùng với đó, cũng là hồi chuông rung động cho các siêu thị khác khi mà vẫn có siêu thị ép giá chiết khấu nhà cung ứng với mức 12%-15%, thậm chí đến 20%. Liên kết này mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, đó là nét nhân văn cao nhất trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.

Tuy vậy, ông Phú cũng cho rằng sự liên kết sản xuất-phân phối trước đây đã có, nhiều DN đã ký kết cùng hợp tác với nhau nhưng sau đó lại thất bại. Do vậy, để liên kết này không bị phá vỡ, nguyên tắc cơ bản là tự nguyện, giá cả hợp lý, đừng bên nào nghĩ giành phần thắng về mình. “Liên kết với nguyên tắc bình đẳng chứ không phải liên kết theo kiểu rời rạc được mùa bán ra ngoài, mất mùa giao cho nhà máy. Người Việt cần đồng cam cộng khổ chứ đừng dễ làm, khó bỏ. Trước đây có những nhà phân phối “ăn” nhiều quá nên các ông cung ứng ghét, từ bỏ” - ông Phú nêu thực tế.

Câu chuyện DN Việt, hàng Việt thất bại trên sân nhà không phải là chủ đề mới, thậm chí chúng ta đã phát động cả một chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Một chương trình đồ sộ, kéo cả hệ thống bộ máy chính quyền các cấp vào cuộc, tuyên truyền, hưởng ứng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá chương trình chưa mang lại kết quả như mong đợi mà mới chỉ dừng lại ở khâu hô hào, tổ chức vài ba chương trình hội chợ rồi đi vào quên lãng.

Ông Vũ Vinh Phú nhìn nhận nguyên nhân chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chưa đạt được như mong muốn có nhiều yếu tố. Trong đó giá bán ở các cửa hàng bình ổn giá của chương trình còn cao hơn bên ngoài, hệ thống phân phối tìm cách chèn ép nông dân, nhà sản xuất khi đưa ra điều kiện chiết khấu cao. “Phong trào này chưa đi vào chiều sâu, mới chỉ hô hào chung chung, trong khi cái gốc là hàng hóa chất lượng và giá rẻ. Hành động thôi chưa đủ mà chúng ta phải có chiến lược hàng Việt. Trong đó cần thay đổi tư duy mua hàng Việt mới là người yêu nước mà mấu chốt là có chính sách phát triển hàng Việt bài bản trên tinh thần tự nguyện” - ông Phú nêu quan điểm.

Ông PHAN VĂN THIỆN, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica:

Hiện thực hóa cam kết ngay trong tháng này


Theo như nội dung hợp tác giữa hai bên, có một số nội dung quan trọng. Đó là Vingroup ưu tiên đưa hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của họ. Hàng Việt sẽ có một vị trí trưng bày thuận lợi, có những chương trình quảng bá hàng Việt trong hệ thống của Vingroup… Sản phẩm của Bibica đã bán ở các hệ thống siêu thị và Vingroup. Nhìn chung các chi phí, mức chiết khấu… khi làm với Vingroup tốt hơn các hệ thống bán lẻ nước ngoài. Nhà cung cấp có thể đối thoại với siêu thị để thỏa thuận được mức chiết khấu phù hợp. Đây là sự khác biệt của nhà bán lẻ nội với siêu thị ngoại. Với hợp tác mới này, hai bên đang thỏa thuận việc đầu tư như thế nào, mức chiết khấu nào hợp lý nhất… để phát huy được hiệu quả, lợi ích hợp tác của hai bên. Dự kiến trong tháng 6 này, những cam kết giữa hai bên sẽ hiện thực hóa.

Ông LÊ LINH DUY, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tam Nông:

Nhà bán lẻ tạo ra sân bóng thì nhà cung cấp phải đá cho hay


Là một trong những DN vừa ký kết hợp tác với Vingroup nhưng công ty đã đưa hàng hóa vào các siêu thị cũng như của Vingroup từ lâu. Việc Vingroup hoàn 100% chiết khấu cho các DN ngành hàng thực phẩm tươi sống mức chiết khấu bằng 0% là bước đột phá lớn, chưa ai làm. Chiết khấu là vấn đề nhạy cảm của DN khi vào siêu thị nhưng nhà bán lẻ này đã tháo gỡ cho nhà cung cấp. Đặc biệt đối với các nhà cung cấp lần đầu bán hàng vào siêu thị, thiếu điều kiện thì việc “bán hộ” này khuyến khích họ đầu tư một cách bài bản. Tôi nhận được thông báo trong tuần tới sẽ làm việc với Vingroup để triển khai hợp tác thỏa thuận đã ký. Sau khi nhận được hoàn chiết khấu 0%, chúng tôi sẽ giảm giá tương đương với mức chiết khấu này đến người tiêu dùng.

Nếu DN nhìn mức chiết khấu 0% mà quên đi các mục tiêu khác thì việc rời khỏi cuộc chơi ở thị trường bán lẻ là không tránh khỏi. Nhà bán lẻ đang đầu tư một sân bóng với cơ sở vật chất hiện đại nhưng đội bóng không mạnh, cầu thủ đá không hay thì sân bóng không hấp dẫn được người xem. Do đó nhà bán lẻ tạo ra sân chơi mà sản phẩm nhà cung cấp không thu hút người tiêu dùng thì cũng sẽ bị loại khỏi kệ hàng siêu thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới