Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19.
Theo đó, hiệp hội này cho biết hiện nay nguồn cung nguyên phụ liệu của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc (60%) và các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 các nước trên đều áp dụng chính sách nghiêm ngặt để chống dịch. Cho nên hàng của doanh nghiệp bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán.
Ngành dệt may của Việt Nam thời gian qua thiếu nguồn cung nguyên liệu. Ảnh: VIẾT LONG
Số liệu thống kê cho thấy xuất nhập khẩu của toàn ngành tháng 3 giảm sâu (-7,2%) so với tháng 3-2019. Tính chung quý I-2020, giảm 9,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lẽ ra ở điều kiện bình thường sẽ tăng khoảng 9%-10%. Trước tình hình trên, Hiệp hội Dệt may dự báo tháng 4 sẽ có khoảng 30% và tháng 5 khoảng 50% lao động mất việc và thiếu việc làm.
Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không kèm điều kiện giảm từ 50% lao động trở lên hoặc chỉ nên giảm từ 20%.
“Nếu quy định phải giảm 50% lao động như hiện hành là không hợp lý, vì lúc đó chắc chắn doanh nghiệp đã đóng cửa. Đồng thời, quy định phải giảm từ 50% lao động vô tình “khuyến khích” doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương để đạt được tỉ lệ này…” - ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cảnh báo.
Cạnh đó, hiệp hội này cũng kiến nghị Nhà nước cần mở rộng đối tượng cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để trả tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cho lao động…
Tương tự, trong văn bản gửi Thủ tướng (ngày 22-4), Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng đề cập những khó khăn của ngành.
Theo đó, hiệp hội này cho rằng chỉ trong vòng hai tháng qua, phần lớn các hàng quán đóng cửa toàn bộ nhưng chi phí cố định doanh nghiệp vẫn phải thanh toán rất lớn. Ví dụ như chi phí cho thuê mặt bằng ở TP.HCM có tỉ suất giá thuê trên giá mặt bằng cao nhất thế giới với mức 5,91%, TP Hà Nội xếp thứ ba với 3,72%, cao hơn hẳn TP Tokyo (5,19%).
“Với diễn biến tình hình như hiện nay, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tới tháng 6-2020, có 80% cơ sở dịch vụ ăn uống nguy cơ bị sụt giảm doanh số trên 50% và phá sản do không cân đối được thu chi…” - Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nhận định.
Theo đó, đơn vị này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành ẩm thực với mức hỗ trợ giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế khoán đối với các hộ kinh doanh ẩm thực trong năm 2020. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp chậm nộp các khoản thuế kể trên từ 8-10 tháng.
“Cạnh đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống thay vì áp dụng mức giá dịch vụ; giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi trong năm 2020, giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 8-10 tháng cho các doanh nghiệp kể từ ngày công bố dịch…” - Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nêu.