Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng tại khu vực châu Âu, châu Mỹ, nhiều quốc gia phải đẩy mạnh việc nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để bù đắp phần nào khó khăn.
Nhu cầu rất lớn
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ đang có nhu cầu nhập khẩu khẩu trang, thiết bị phòng, chống dịch để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang phức tạp.
Như thị trường Mỹ, hiện đang có nhu cầu nhập khoảng 500 triệu khẩu trang N95, 200 triệu khẩu trang các loại, 1.000 máy trợ thở, 1 tỉ găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế, 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch...
Các thị trường khác như Tây Ban Nha, Kazakhstan, Canada, Nga... cũng đang cần nhập khẩu các sản phẩm khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ y tế.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết đối tác lớn từ Mỹ đang đặt hàng công ty may này 20 triệu khẩu trang vải. Khẩu trang y tế là ngành hàng mới với May 10, nhưng cũng đang có đối tác đặt mua 400 triệu chiếc, hợp đồng được ký trong một năm, dự kiến giao hàng trong tháng 7-2020 với trị giá 52 triệu USD. Một đối tác khác tại Đức cũng đặt thêm 6 triệu khẩu trang y tế. Tổng các lô hàng này có thể mang lại 30% doanh thu cho công ty trong năm 2020.
"Ngoài khẩu trang vải, khẩu trang y tế thì cũng đang có đối tác đặt hàng 2 triệu bộ đồ phòng dịch. Nhưng hiện Chính phủ chưa có hướng dẫn xuất khẩu và trong nước chưa có phòng thí nghiệm kiểm tra tiêu chuẩn CE (tiêu chuẩn hàng hóa của EU) nên doanh nghiệp nội sẽ khó phát triển dòng sản phẩm này" - ông Việt cho biết.
Hiện lượng xuất khẩu khẩu trang của các DN đang ngày một tăng lên, giúp DN xoay xở phần nào khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Bộ Công Thương
Bà Đoàn Thị Thu, Phó Tổng giám đốc TNG, cũng cho hay vừa xuất một số đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn sang châu Âu và cho biết đang tính đến phương án xuất quần áo bảo hộ, nếu như có đối tác đặt hàng.
Nguồn tin từ một nhà sản xuất khẩu trang y tế lớn trong nước cho hay chính phủ Mỹ đang có nhu cầu 3 tỉ khẩu trang y tế đạt chuẩn và nhân viên chính phủ đã tìm đến Việt Nam mong thỏa cơn khát khẩu trang này.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), đánh giá người dân Âu, Mỹ đang thay đổi hành vi, trở nên có nhu cầu hàng ngày hơn về đeo khẩu trang. Do đó nhu cầu đang tăng mạnh. Đây là cơ hội lớn cho ngành dệt, may trong nước.
"Các doanh nghiệp trong hiệp hội nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngoài. Chưa kể, Chính phủ cũng đặt những lô hàng để đảm bảo dự trữ và viện trợ quốc tế. Có những đơn hàng lên tới hàng chục triệu USD mà Chính phủ đã giao cho các bộ Công Thương, Y tế liên hệ đặt hàng doanh nghiệp trong nước" - ông Cẩm cho biết.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch của Vitas cũng lưu ý ngành hàng này không phải là mặt hàng cần thường xuyên như quần áo, thời trang nên doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng cơ hội trước khi vụt trôi...
Thủ tướng cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế Ngày 15-4, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ phòng, chống COVID-19. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước (gồm cả dự trữ). Ngoài ra, các mặt hàng này chỉ được phép xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xử lý nhanh việc này "không để lỡ thời cơ" khi nhu cầu khẩu trang y tế, các thiết bị phòng dịch tại một số quốc gia, khu vực rất lớn. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện có khoảng 68 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, quần áo phòng hộ chống dịch. Việt Nam đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870) được nhiều nước đánh giá cao. |
Lãi lớn nhờ bắt tín hiệu thị trường
Đó là câu chuyện của Công ty TNHH Vật tư y tế Sen Việt. Từ việc mua lại một nhà sản xuất nhỏ cho mục đích khác giữa năm trước, đến cuối tháng 12-2019, nghe tín hiệu dịch dã từ Vũ Hán, Trung Quốc, chủ mới đã bắt tay nghiên cứu thị trường khẩu trang, bao gồm cả nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ Ấn Độ, Hàn Quốc thay cho nguồn Trung Quốc đang bị đóng cửa.
Từ hai dây chuyền sản xuất ban đầu xuất xứ Hàn Quốc, cho đến sau tết Nguyên đán, các bàn tay thợ cơ khí lành nghề Đồng Nai, Bình Dương cùng Sen Việt đã tự nghiên cứu, phát triển lên quy mô 40 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế.
Sản phẩm khẩu trang y tế của Sen Việt là loại cao cấp, đúng chuẩn CE của EU và FDA của Mỹ, giá thành sản xuất ra không hề rẻ nhưng làm ra bao nhiêu đã có khách hàng đến tận nhà máy đặt mua hết sạch. Hiện sản lượng khẩu trang y tế của Sen Việt đang chiếm khoảng 12%-13% sản lượng khẩu trang y tế của cả nước.
"Do tác động của dịch COVID-19 nên hiện tại nhu cầu khẩu trang y tế ở trong nước rất lớn, chưa nói đến xuất khẩu. Nhà nước đặt nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu trong nước rồi mới tính đến phương án xuất khẩu, đây là chủ trương đúng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng khi đã đảm bảo đủ nhu cầu trong nước thì các bộ, ngành cần thuận lợi hóa chính sách để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhanh nhất. Vì khẩu trang là mặt hàng mang tính cấp thiết, nếu không xuất khẩu nhanh cơ hội sẽ vụt qua” - đại diện Sen Việt cho biết.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng.
Bình luận về quan điểm này, đại diện Sen Việt nói: “Chúng tôi chỉ sản xuất khẩu trang y tế, bán hàng tại xưởng. Nhưng dữ liệu có được là năng lực sản xuất khẩu trang đủ loại phẩm cấp khác nhau là dư thừa rất nhiều so với nhu cầu nội địa.
Và thực tế dù Chính phủ đang hạn chế nhưng một lượng lớn hàng dư thừa ấy vẫn được xuất lậu qua biên giới đường bộ để đến các thị trường Âu, Mỹ và kể cả Trung Quốc. Như thế, chính sách hiện tại đang gây thiệt hại kép: ngân sách thất thu thuế, còn thương nhân vì phải xuất lậu nên chi phí tăng lên, giảm sức cạnh tranh với nhà sản xuất các quốc gia khác".
Người dân đang tìm mua khẩu trang tại các cửa hàng bán dụng cụ y tế tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Lưu ý việc xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế vào EU Doanh nghiệp cần lưu ý rằng để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các nhà sản xuất cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này. Ví dụ, dán nhãn CE hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp hàng hóa chưa có nhãn CE, để xuất vào riêng từng quốc gia. Do vậy, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào sẽ tiềm ẩn rủi ro. (Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU) |