Động đất ở Nepal: Có thể đến 5.000 người thiệt mạng

Theo báo cáo chính thức mới nhất, cập nhật trên trang mạng Earthquake-Report, hiện đã xác định được 14 căn nhà của chính phủ bị sụp đổ, 169 công trình tư nhân bị hư hại một phần, 1.914 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và 4.194 trường hợp hư hại tài sản khác.

Hoang tàn và tang tóc

Đây là trận động đất kinh hoàng nhất trong vòng 81 năm trở lại đây tại Nepal. Theo Reuters, tổng số thương vong đã vượt quá 10.000 người với hơn 3.700 người thiệt mạng và hơn 6.500 người bị thương. Chỉ trong chưa đầy một ngày, số người chết được xác nhận là 3.200 người sáng 27-4 đã nhảy vọt thêm đến 500 người. Tuy nhiên, con số thương vong có thể sẽ còn tăng khi lực lượng cứu hộ tiến sâu hơn vào những đống đổ nát của các tòa nhà bởi có khả năng còn rất nhiều người bị mắc kẹt trong các đống đổ nát từ thủ đô Kathmandu đến các làng quê hẻo lánh và các vùng núi hiểm trở. Theo tờ The Guardian, có thông tin lo sợ thiệt hại nhân mạng có thể hơn 5.000 người.

Hệ thống y tế của Nepal đang phải gồng mình giải quyết các trường hợp bị thương. Theo thống kê năm 2011 của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), tại quốc gia 28 triệu dân này, cứ mỗi 10.000 người thì chỉ có hai bác sĩ và khoảng 50 giường bệnh. Hiện các trường hợp nguy kịch đang được chuyển đến Trung tâm Các chấn thương nghiêm trọng của BV Bir tại thủ đô Kathmandu. Trung tâm này với quy mô 200 giường chỉ mới được mở cửa vào tháng 2-2015. Các bác sĩ khẳng định với tình hình hiện tại thì cần phải bổ sung thêm đến 1.000 giường bệnh để tiếp nhận kịp số bệnh nhân được lũ lượt đưa đến.

Là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới, hàng ngàn công dân từ nhiều quốc gia đã có mặt tại thủ đô Kathmandu và nhiều vùng hẻo lánh khác của Nepal đúng với thời điểm trận động đất xảy ra như Trung Quốc (683 khách du lịch), Úc (549 người), Nhật Bản (gần 1.100 người), Hàn Quốc (gần 1.000 người), Israel (hơn 600 người),… Các cơ quan ngoại giao của các nước đã cố gắng liên lạc được và đảm bảo an toàn cho phần lớn công dân của họ tại Nepal, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều trường hợp chưa rõ được tình hình. Theo tờ The Guardian (Anh), vào giai đoạn cao điểm du lịch của năm, Nepal có thể đón gần 300.000 du khách đến tham quan và leo núi.

Nỗ lực quốc tế

Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) - bà Orla Fagan cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhân viên cứu trợ quốc tế tại Nepal là ngăn cản các dịch bệnh lan tràn tại các khu vực đang gánh chịu hậu quả của trận động đất, vốn điều kiện vệ sinh và an toàn sức khỏe đã bị tác động trầm trọng. LHQ cảnh báo tại Nepal đã bắt đầu xuất hiện các dịch bệnh tiêu biểu như tiêu chảy hay dịch sởi. Hiện có 14 đội chuyên viên y tế và 14-15 đội tìm kiếm và cứu hộ quốc tế đang trên đường đến Nepal bằng máy bay quân sự. Chính phủ Nepal đang nỗ lực đưa sân bay quốc tế Kathmandu quay trở lại hoạt động bình thường. Các chuyến xe viện trợ cũng đang tìm đường di chuyển từ Ấn Độ sang TP Pokhara của Nepal.

Tổ chức Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc tế của Đức đã điều động 52 chuyên viên y tế, chuyên gia tìm kiếm cứu hộ. Các đội chó nghiệp vụ cũng đang trên đường đến Nepal. Trong khi đó, phía Lầu Năm Góc khẳng định máy bay quân sự nước này đã sẵn sàng cất cánh mang 70 nhân viên cùng 45 tấn hàng cứu trợ sang Nepal. Đặc biệt, Israel đã cho điều động 95 tấn hàng hóa và một nhóm cứu trợ lên đến 260 nhân viên, trong đó có 122 bác sĩ đến tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ y tế và tìm kiếm cứu trợ. Các nước lớn cũng đã nhanh chóng cam kết các khoản tiền viện trợ nhân đạo cho Nepal, chẳng hạn như Úc (5 triệu đôla Mỹ), Anh (7,6 triệu đôla), Trung Quốc (3,3 triệu đôla) và Mỹ (1 triệu đôla). Tuy nhiên, theo hãng tin The Telgraph (Anh), các khoản tiền viện trợ này phần lớn chỉ mới là các cam kết và sẽ còn phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể đến tay người dân Nepal để khắc phục những hậu quả của động đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới