Đồng đôla Mỹ nhảy múa: Kẻ cười, người khóc

Đến hôm qua (20-6), giá USD trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá đồng bạc xanh tăng mạnh khiến không ít doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng, trong khi các đơn vị xuất khẩu lại hưởng lợi.

Liên tục leo thang

Hôm qua tỉ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 22.617 VND/USD, tiếp tục tăng thêm 15 đồng so với trước đó một ngày. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm do NHNN công bố đã tăng mạnh hơn 200 đồng mỗi USD. 

Giá USD tại hàng loạt nhà băng như Vietcombank, VietinBank, Techcombank… cũng liên tục nhảy múa. Trong đó có nhà băng niêm yết giá bán USD ở mức cao, trên 22.900 VND/USD. Như vậy chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá mỗi USD tại các nhà băng đã tăng thêm 80-90 đồng. Trên thị trường tự do, giá mỗi USD cũng tăng thêm 340-400 đồng, lên mức trên 23.100 VND/USD.

Lý giải về nguyên nhân giá đồng USD tăng mạnh, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định: Tỉ giá tăng đến từ cả nguyên nhân nội tại nền kinh tế Việt Nam lẫn nguyên nhân khách quan từ bên ngoài. Tác động trước tiên khiến tỉ giá nổi sóng phải kể đến sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên mức 1,75%/năm vào tuần trước.

Giá USD trong những ngày gần đây liên tục nhảy múa. Ảnh: TL

Chưa dừng lại, FED cho biết dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm bốn lần trong năm nay, cao hơn ba lần như dự báo đưa ra hồi tháng 3. Chính thông tin này đã tác động mạnh, đẩy USD tăng giá đáng kể so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác trên toàn thế giới, tạo áp lực đẩy tỉ giá VND/USD.

Bên cạnh đó, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam trong tháng 5, tháng 6 vừa qua đang trong xu hướng tăng và có khả năng lạm phát trong năm nay vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra là 4%. Với kỳ vọng lạm phát tăng như vậy thì dĩ nhiên cũng làm giảm giá trị của tiền đồng và đẩy tỉ giá có xu hướng đi lên.

“Cộng thêm với thặng dư xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài cùng dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đã chậm lại gần đây cũng đẩy nhu cầu về đồng đôla tăng theo, tạo áp lực lên tỉ giá” - TS Hiếu phân tích.

Xuất khẩu mừng, nhập khẩu kêu trời

Giá đồng bạc xanh tăng đã tác động mạnh đến các công ty nhập khẩu. Bà Phạm Thị Phương Hạ, Phó Giám đốc Công ty Quà tặng GiftBrand, cho biết: Hiện công ty có một số khách nước ngoài, mỗi lần khách trả tiền bằng USD thì công ty giữ nguồn tiền để chi trả khi nhập khẩu. Tuy nhiên, lượng khách trả bằng ngoại tệ không nhiều nên công ty phải mua đôla trên thị trường tự do. Do đó, mỗi khi tỉ giá tăng công ty lại lo sốt vó.

“Tỉ giá từ đầu tháng đến nay tăng rất mạnh, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài áp lực phải chịu chênh lệch tỉ giá từ tiền đồng sang USD tăng mạnh thì doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc như chúng tôi còn mất thêm khoản chênh lệch tỉ giá từ USD sang nhân dân tệ. Tôi ước tính mỗi USD chỉ cần tăng thêm 100 đồng thì sẽ kéo lợi nhuận của công ty giảm đi tới 2%” - bà Hạ dẫn chứng.

Một số công ty nhập khẩu khác cũng lo lắng khi tỉ giá tăng sẽ làm cho giá vốn, các chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận và cuối cùng là tác động đến người dân, nhất là những mặt hàng Việt Nam không sản xuất được như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng tiêu dùng.

Ngược lại, đại diện một số công ty xuất khẩu nông sản cho rằng tỉ giá tăng sẽ rất tốt cho xuất khẩu, đặc biệt với những nước xuất siêu như Việt Nam. Việc tỉ giá tăng vừa khuyến khích được xuất khẩu, đồng thời cũng giúp nền kinh tế vận hành ổn định hơn.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận thanh toán tiền bằng USD. Khi tỉ giá tăng, họ đổi ra tiền đồng Việt Nam sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, nếu tỉ giá vượt quá 3% sẽ gặp rủi ro, gánh nặng rất lớn với những công ty vay nhiều USD để kinh doanh” - đại diện một công ty nói.

Không nên quá lo ngại nhưng…

Nhiều chuyên gia trấn an không nên quá lo lắng trước tỉ giá tăng mạnh, bởi quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn khá ổn. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục cũng giúp tăng khả năng chống đỡ trước các cú sốc từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cũng khẳng định các ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp. Diễn biến tăng giảm của tỉ giá chỉ là theo xu thế thị trường chứ chưa xuất hiện tình trạng căng thẳng, biểu hiện ở chỗ không có tình trạng găm giữ USD và ngân hàng vẫn mua được ngoại tệ từ nhà kinh doanh. Hiện cung cầu thị trường vẫn rất ổn định, thanh khoản trên hệ thống tốt.

Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá việc tiền đồng giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro khiến tiền đồng mất giá mạnh hơn dự báo. Ví dụ, theo nghiên cứu từ Moody’s, Việt Nam xếp thứ tư trong danh sách các nước châu Á tiềm ẩn rủi ro nợ nước ngoài cao nhất.

Đáng chú ý, tỉ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt khoảng 63 tỉ USD, tức chỉ đảm bảo khoảng 3,5 tháng nhập khẩu - mức thấp nhất giữa các quốc gia trong khu vực. Điều này cảnh báo những sức ép tác động tiêu cực tới tiền đồng.

“Tiền đồng vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro từ bên ngoài. Ví dụ, khả năng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Điều này cảnh báo những sức ép, tác động tiêu cực tới tiền đồng” - các chuyên gia của Rồng Việt nhận định.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng lưu ý từ nay đến cuối năm 2018, đồng đôla có xu hướng tăng trở lại. Do vậy, chính sách tỉ giá cần tiếp tục bám sát và có những động thái điều hành linh hoạt.

Lo lắng USD tiếp tục tăng mạnh

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu và một số chuyên gia đưa ra dự báo: Từ nay đến cuối năm nhiều khả năng đồng USD sẽ tăng thêm 1%-3%, tương đương tỉ giá sẽ bật lên mức 23.300-23.700 VND/USD.

Trước dự báo tỉ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng nữa, bà Phạm Thị Phương Hạ, Phó Giám đốc Công ty GiftBrand, lo lắng: “Nhu cầu nhập hàng cuối năm luôn tăng cao. Nếu tỉ giá tiếp tục tăng nữa, lại cộng thêm giá đồng nhân dân tệ vẫn đứng ở mức rất cao như hiện nay thì lợi nhuận của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Và sau cùng người tiêu dùng vẫn sẽ là đối tượng lãnh đủ tất cả biến động của tỉ giá, vì nhà kinh doanh sẽ tính vào giá bán sản phẩm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới