Động lực để cán bộ, công chức cống hiến: Thu nhập và sự tôn trọng

Động lực để cán bộ, công chức cống hiến: Thu nhập và sự tôn trọng

(PLO)- Theo nhiều chuyên gia, động lực quan trọng để cán bộ công chức TP.HCM làm việc chính là thu nhập đủ sống và sự tôn trọng của người dân.

Ngày 4-4, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến xây dựng đề án xây dựng nền công vụ TP hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030.

Tại hội thảo, vấn đề tạo động lực cho cán bộ công chức làm việc được nhiều chuyên gia, đại biểu bàn luận.

'Quan chức bị chửi bới' thì sao có động lực để công chức làm việc?-dong-luc-cong-chuc-lam-viec
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chụp hình cùng với các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Công chức không được tôn trọng

Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều cho biết với việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mới hiện nay đã tạo áp lực lớn cho công chức cấp cơ sở.

"Khối lượng công việc tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Tại sao thời kỳ dịch COVID-19, động lực làm việc của cán bộ lớn, không cần tiền lương, thưởng nhưng mọi người vẫn dốc sức thực hiện?” – bà Kiều đặt vấn đề và cho biết khi đó công chức thấy được trách nhiệm của mình với tính mạng người dân nên xông xáo, không nề hà, dù ảnh hưởng tới sức khoẻ, sinh mệnh của mình.

dong-luc-cong-chuc-lam-viec-4.jpg
Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều chia sẻ về áp lực của công chức hiện nay. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo bà Trương Minh Kiều, công chức cơ sở đang gặp nhiều áp lực, giảm động lực làm việc bởi không còn nhiều sự tôn trọng của người dân đối với công chức.

“Thời điểm dịch, chúng tôi được sự tôn trọng, ghi nhận của người dân nên cực khổ thế nào cũng thấy thoả mãn” – bà Kiều nói và cho biết người dân đánh giá công chức khi chỉ mới ở bước thực hiện thủ tục hành chính.

“Hiện nay người dân nhìn vào vị trí của người công chức và rất nghi ngờ, đánh giá, hoặc nâng quan điểm lên khi có sự việc gì đó. Chúng tôi thấy mình không được tôn trọng ở cương vị một nhân viên công vụ”- Chủ tịch quận 5 chia sẻ.

Để tạo động lực cho cán bộ công chức vượt qua áp lực, làm tốt công việc, bà Trương Minh Kiều đề xuất TP được chủ động tinh giản biên chế, nhất là khi nền công vụ TP đã hoàn thiện chứ không phải tinh giản hàng năm theo kế hoạch.

Làm công chức mà tủi nhục thì ai vào?

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn nhận động lực quan trọng để cán bộ muốn làm chính là lương đủ sống.

“Ở Singapore thu hút được người tài vì lương công chức cao hơn bên ngoài. TP cũng phải tính đến chuyện đó, còn trả lương như hiện nay mà chống tham nhũng là rất khó” – ông nói và cho biết truyền thống khoa bảng, thích học làm quan của người Việt vẫn ở trong máu, cần khơi dậy để tạo động lực công chức làm việc.

dong-luc-cong-chuc-lam-viec-1.jpg
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ trực tuyến. Ảnh: THUẬN VĂN

TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng sự trân trọng của xã hội đối với công chức đang bị tổn hại nghiêm trọng...

“Bây giờ lên mạng xã hội, quan chức bị chửi khá nhiều… nếu tiếp tục như vậy mà muốn có động lực để làm công chức thì rất khó. Đội ngũ cán bộ công chức mà tệ thì đất nước sao phát triển được như bây giờ. Nếu để vào làm công chức là sự tủi nhục thì ai vào?” – ông Dũng phân tích.

Cũng theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, việc tuyển dụng công chức, viên chức phải hết sức khắt khe, tuyển đúng người tài. Theo ông, ngày trước, để học làm quan phải thi hương, thi hội, thi đình. Bây giờ tất cả các nước ở Đông Bắc Á có nền hành chính công vụ tinh hoa đều như vậy.

Ông đề nghị Sở Nội vụ thành lập bộ phận thi tuyển công chức của TP, bởi không tuyển đúng nhân tài thì không thể có nền hành chính công vụ tinh hoa được. Đồng thời, phải thăng tiến theo hiệu quả, thành tích công việc, thay vì lấy phiếu tín nhiệm. "Nên có khái niệm ba cấp quan chức gồm quan chức chính trị, quan chức bổ nhiệm chính trị và bổ nhiệm hành chính" - ông Dũng đề xuất.

Theo ông, quan chức bổ nhiệm hành chính cần dựa trên chỉ tiêu đo đếm công việc, tính sáng tạo, hiệu quả công việc, khả năng áp dụng công nghệ, được bổ nhiệm tuyệt đối theo cơ chế khách quan.

dong-luc-cong-chuc-lam-viec-2.jpg
Toàn cảnh hội thảo về nền công vụ của TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Việc nhiều nhưng thu nhập không tăng là không công bằng

PGS.TS Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết qua tiếp xúc với nhiều công chức TP.HCM, ông nhận thấy năng lực của công chức TP cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, song áp lực công việc cũng rất nhiều.

Ông dẫn chứng trường hợp phó chủ tịch một phường có số dân hơn 110.000 người, dùng bộ máy cấp phường để giải quyết số lượng dịch vụ công tương đương với hai huyện miền núi.

“Anh chia sẻ với tôi chỉ riêng việc ký chứng thực bản sao CCCD mà tối về tê cả tay” – ông Võ Trí Hảo kể và cho biết ở Mỹ, chính quyền cơ sở xã, phường được xem tương đương với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công.

“Tôi từng hỏi một chủ tịch phường ở Thủ Đức, vị này nói nếu giao họ làm chủ tịch cả ba phường họ vẫn có thể làm được” – ông nói và khẳng định năng lực của công chức TP cao, do đó phải tập trung tạo động lực để cán bộ cống hiến.

dong-luc-cong-chuc-lam-viec-3.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo PGS.TS Võ Trí Hảo, vấn đề đầu tiên trong việc tạo động lực là giải quyết thu nhập cho cán bộ. Ông đề nghị Trung ương không giao cho TP cơ chế về số lượng biên chế, công chức theo cách truyền thống mà phải giao ba chỉ số.

Cụ thể, số lượng biên chế công chức tối đa, số ngân sách tiền lương trả cho toàn bộ hệ thống công chức và hiệu quả xử lý công việc tính theo từng hồ sơ công việc.

Từ đó, TP sắp xếp tối ưu hoá công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công việc. Sau khi tối ưu hoá quy trình công việc thì chi phí còn lại cán bộ sẽ được hưởng như thu nhập tăng thêm.

“Làm nhiều, giao việc nhiều, cực nhọc nhiều nhưng thu nhập không tăng thêm, như thế là không công bằng với công chức TP.HCM và họ không có động lực khuyến khích” – PGS Võ Trí Hảo nói.

Ông cũng đề xuất TP.HCM thiết kế lộ trình cuốn chiếu để thực hiện nền công vụ. Theo ông, TP là một siêu đô thị, nếu triển khai ồ ạt về ngân sách, nhân sự một cách đồng đều sẽ gặp khó khăn. Thay vào đó, cần phân chia TP thành nhiều khu vực, cấp độ, trình độ phát triển khác nhau và đề xuất giải pháp tương ứng cho từng địa bàn.

TP.HCM sẽ báo cáo Trung ương đề án nền công vụ

Tiếp thu các đóng góp từ chuyên gia, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ ông cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm, kỳ vọng của chuyên gia, đại biểu dành cho sự phát triển của TP trong sự phát triển chung của cả nước.

Ông chỉ đạo Ban Soạn thảo, Tổ giúp việc tiếp thu, lựa chọn các ý kiến phù hợp để đưa vào đề án và khẩn trương hoàn thiện.

dong-luc-cong-chuc-lam-viec-6.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ nghiên cứu tạo động lực cho công chức. Ảnh: THUẬN VĂN

Với việc xem đề án nền công vụ TP hiệu lực, hiệu quả là một nội dung đột phá không chỉ của TP mà còn của quốc gia, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ báo cáo xin chủ trương của Trung ương.

Dự kiến, tuần tới, UBND TP sẽ báo cáo, xin chủ trương của Bộ Nội vụ. Trong tháng 5, UBND TP sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua và sau đó báo cáo với Trung ương.

Để tạo động lực cho cán bộ, công chức, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ nghiên cứu về khoán quỹ lương, bao gồm cả khoán biên chế, khoán quỹ lương và các cơ chế chi lương để tạo động lực từ lương.

TP cũng sẽ nghiên cứu một quy trình hành chính để hiện đại hóa nền hành chính và phân định rõ ràng trách nhiệm công chức cấp xã.

“Ví dụ, vận hành ở UBND xã, phường hoặc tại sở, ngành thì quy trình vận hành như thế nào và tương tác với cấp trên là sở, ngành, UBND TP ra sao, tương tác ở cấp quận, huyện, người dân thế nào…” – ông Mãi giải thích.

Đọc thêm