Sáng 4-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo khoa học lấy ý kiến xây dựng đề án xây dựng nền công vụ TP hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030.
Công chức không thể làm giàu nhưng phải sống được
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98/2023, nhìn nhận nền công vụ có ba cấu phần là thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. “Đây giống như líp, xích, nhông của xe máy, phải đồng bộ, nếu thiếu một phần thì xe không chạy được” – ông nói.
Theo TS Trần Du Lịch, cốt lõi của nền công vụ là nhà nước kiến tạo nền công vụ phục vụ. Đồng thời, dùng chính quyền điện tử để vận hành nền công vụ trong mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với nhau và với người dân; gắn nền công vụ với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị.
Ông nhấn mạnh TP.HCM phải đề nghị Trung ương hỗ trợ trong quá trình xây dựng nền công vụ. “TP không thể tự mình thay đổi tính chất công vụ được nếu không có chỉ đạo thống nhất từ Trung ương” – ông nói và đề nghị mở rộng phân cấp, phân quyền cho TP trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, được đề cập trong Nghị quyết 98.
Ông cho rằng phải làm sao để nền công vụ hạn chế tối thiểu cơ chế xin – cho mà phải phân cấp rõ ràng, trách nhiệm giải trình từng cấp.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng xây dựng nền công vụ TP phải gắn với mô hình chính quyền đô thị, hướng tới một chính quyền đô thị TP.HCM mà bên dưới có nhiều TP đô thị trực thuộc.
Trong đó, mỗi TP trực thuộc sẽ là một cấp chính quyền có quyền tự chủ, thậm chí còn mạnh hơn TP Thủ Đức hiện nay. Bộ máy hành chính cấp sở, ngành chủ yếu phục vụ công vụ cho 15 quận nội thành và những quận này trong tương lai cần hình thành một trung tâm hành chính công.
“Chúng ta thống nhất nền hành chính chứ không đồng nhất tổ chức hành chính. Tức một phường ở quận 1 khác một phường ở Thủ Đức, không thể có bộ máy chung, không thể cào bằng bộ máy” – ông nói.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, cơ quan nhà nước có thể tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo tập thể nhưng thẩm quyền của chủ tịch UBND phải tiếp cận với thẩm quyền thị trưởng mới giảm được hội họp.
“Các sở, ngành phải là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải tham mưu giúp việc thì UBND TP mới bớt họp được… Bớt nhiệm vụ của UBND TP để giao cho giám đốc sở, trách nhiệm giải trình rõ ràng, không đùn đẩy đâu đi được” – TS Trần Du Lịch nhìn nhận và khẳng định chính quyền đô thị là mô hình nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, huy động nguồn lực tinh gọn bộ máy, chứ không phải cứ bỏ HĐND là ra chính quyền đô thị.
Đáng chú ý, liên quan đến việc tổ chức cán bộ, công chức, TS Trần Du Lịch cho rằng mỗi nước có mô hình khác nhau. Có nước tổ chức hệ thống ngạch bậc như Việt Nam, “công chức sáng xách ô đi, chiều xách ô về, lương thấp nhưng an toàn, không mất việc”. Tuy nhiên ở Mỹ, cán bộ làm việc theo công việc và TP.HCM cần thay đổi theo hướng này.
Từ đó, một công chức dù mới vào cơ quan nhà nước nhưng có thể ngồi vào các vị trí cao, thoát cảnh “sống lâu thành lão làng”.
“Chứ nếu không phải chuyên viên chính thì không được ngồi chức này thì họ sẽ ráng sao để có được chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp… Tôi không không phủ nhận cơ chế ngạch bậc nhưng phải theo công việc” – ông nói và đề nghị phải nghiên cứu lại việc này.
Dẫn lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TS Trần Du Lịch khẳng định công chức là người mẫn cán với công vụ. “Công chức không thể làm giàu nhưng ít ra phải sống được đời sống trung bình ở chỗ anh sống, còn có ý định làm giàu đi chỗ khác, không nên làm công chức” – ông nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Đi sau lương là quan hệ xã hội, tốt nghiệp đại học mà lương 3-4 triệu đồng thì quan hệ xã hội sẽ không là gì hết. Đây mới là vấn đề chứ không phải chỉ là thu nhập”.
Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận công chức là sứ mạng cao cả. "Đây không phải là công việc bình thường để kiếm lương mà phải là sứ mạng. Giá trị xã hội là giá trị phụng sự, đóng góp cho sự phát triển" - ông Mãi nói.
Công chức phải muốn làm và được làm
Từ đầu cầu Hoa Kỳ, GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana Bloomington, khẳng định việc xây dựng nền công vụ TP.HCM là chiến lược quốc gia, bởi nền công vụ không chỉ có tầm quan trọng đối với đầu tàu TP.HCM mà còn với cả nước.
“Đề án nền công vụ là nòng cốt để TP.HCM và cả nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đạt được mục tiêu công nghiệp hoá và các mục tiêu đề ra” – ông nói.
Theo GS Trần Ngọc Anh, có ba vấn đề cốt lõi để xây dựng nền công vụ hiệu quả là thu nhập, giải trình, pháp lý. Ông cho rằng TP cần được Trung ương giao quyền quyết định về lương, biên chế, nguồn thu thì khi đó mới tạo được thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Song song đó, TP cần xây dựng hệ thống đánh giá công việc của từng cơ quan. “Khi giao cho chuyên viên làm công việc gì phải có đánh giá từng việc, tổng hợp từng tháng, từng quý, để tạo trách nhiệm giải trình cũng như đánh giá được KPI của mỗi người” – ông nói và nhấn mạnh từng cơ quan phải có cơ quan giải nghĩa pháp luật, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định.
Bên cạnh đó, để nền công vụ hoạt động mạnh mẽ, TP cần ba trụ cột gồm năng lực của cán bộ, động lực phục vụ người dân và không gian làm việc.
“Muốn bộ máy hoạt động được thì cán bộ công chức phải muốn làm (động lực làm), phải làm được (năng lực làm) và phải được làm (không gian làm việc)” – ông phân tích và khẳng định ba giải pháp đột phá nêu trên sẽ tác động đến ba trụ cột để tạo cú hích giúp TP triển khai chiến lược toàn diện.