Sáng 14-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về công tác phòng chống, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại tỉnh.
Trong buổi làm việc Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, cho biết đến sáng 14-7 Đồng Nai đã ghi nhận 520 ca bệnh (tính từ đợt dịch thứ 4). Đặc biệt, từ hai ổ dịch lớn ở TP.HCM là chợ Hóc Môn và chợ Bình Điền, số ca nhiễm bệnh của Đồng Nai đã tăng nhanh.
Riêng TP Biên Hòa, tình hình dịch bệnh hiện rất phức tạp, đã đưa đi cách ly tập trung khoảng 1.000 trường hợp F1 trong tổng số 3.000 trường hợp F1 của toàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra tại khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: AX
Trong ngày 13-7, khi phát hiện sáu công nhân của Công ty TNHH Changshin dương tính với COVID-19, công ty đã ngưng dây chuyền 1.500 công nhân, tiến hành cách ly, xét nghiệm.
Đến sáng 14-7, kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết có một số mẫu bệnh phẩm của Công ty Changshin Việt Nam dương tính với COVID-19. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục làm xét nghiệm cho gần 30.000 công nhân của công ty này để tìm ra ca nhiễm mới.
So với các tỉnh lân cận, số ca nhiễm của Đồng Nai thấp hơn nhưng tiềm ẩn nguy cơ rất cao do công nhân ở Đồng Nai rất đông, khu nhà trọ ở Đồng Nai cũng rất phức tạp.
Tổng công suất điều trị của Đồng Nai là 1.500 giường. Trường hợp cấp bách, ngành Y tế sẽ huy động thêm ký túc xá Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, nhà thi đấu Đồng Nai. Khó khăn của tỉnh là lực lượng nhân viên y tế khá mỏng, toàn tỉnh chỉ có khoảng 8.000 nhân viên y tế đang căng mình chống dịch, điều trị. Đã có nhân viên y tế ở một số cơ sở y tế mắc bệnh.
Ông Vũ cho hay ngành Y tế tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết về trang thiết bị máy móc, nhân lực để qua tuần sau có thể đưa vào sử dụng 100 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tuy nhiên, hiện tỉnh còn thiếu nhiều máy thở, monitor, gặp khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm máy móc.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Đồng Nai cần thiết lập ngay 100 giường điều trị bệnh nhân nặng tại hai bệnh viện tỉnh. Sở Y tế tổng hợp nhu cầu cụ thể về nhân lực, trang thiết bị máy móc còn thiếu của hai bệnh viện để gửi Bộ Y tế có kế hoạch hỗ trợ sớm.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng nên có kế hoạch kêu gọi xã hội hóa trang thiết bị, máy móc, cần chuẩn bị thêm các bệnh viện dã chiến để có thể thu dung điều trị tối thiểu được 5.000 bệnh nhân. Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh lân cận khi dịch bệnh phức tạp.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai cần tăng cường phối hợp với Quân đội, Công an trong công tác truy vết, quản lý các cơ sở cách ly, điều trị. Sở Y tế tư vấn cho lãnh đạo tỉnh chia các tiểu ban như: tiểu ban điều trị, tiểu ban hậu cần, truyền thông…, mỗi tiểu ban có một lãnh đạo tỉnh tham gia để chỉ đạo hoạt động hiệu quả.
Về công nghệ thông tin, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo cán bộ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai triển khai kết nối phù hợp, phát huy hiệu quả công tác điều tra, truy vết…
Cũng trong sáng cùng ngày, đoàn công tác Bộ Y tế đã đi kiểm tra tình hình hoạt động, cơ sở vật chất tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 2 của tỉnh Đồng Nai (cơ sở 3 Trường đại học Lạc Hồng, phường Bửu Long, TP Biên Hòa); công tác chuẩn bị 100 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.