Đồng Nai đang tạo đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ

(PLO)- Đồng Nai đã huy động tất cả nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trở thành mắt xích quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ. 

Để xứng đáng với vị thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã huy động tất nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Không bao lâu nữa, khi những các dự án giao thông hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thì Đồng Nai sẽ có bức tranh hoàn toàn mới về hạ tầng giao thông và trở thành "mắt xích' quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng và cả nước.

Để thấy rõ hơn về bức tranh giao thông trong những năm tới khi hàng loạt dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh xây dựng xong và đưa vào sử dụng khai thác, báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Giai đoạn 2020-2025 Đồng Nai là đại công trường

Bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI.

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, xin bà cho biết vai trò, lợi thế vị trí địa lý của tỉnh Đồng Nai trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ?

+ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng:

Đồng Nai giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm ở phía Đông Bắc TP.HCM. Do đó, Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng Đông Nam Bộ, nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên có hệ thống giao thông đa dạng và phong phú.

Hiện tại, vận tải đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Ngoài hệ thống đường quốc gia gồm Quốc lộ 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 tuyến đường tỉnh và 223 tuyến đường huyện tạo ra mạng lưới các tuyến nhánh, phục vụ tương đối đầy đủ nhu cầu vận chuyển của người dân.

. Giao thông được ví như là mạch máu cho sự phát triển kinh tế, nhất là những dự án kết nối vùng, dự án trọng điểm quốc gia, bà có thể thông tin về một số dự án đặc biệt quan trọng trên địa bàn tỉnh đang xây dựng và hứa hẹn sẽ là sức bật của tỉnh Đồng Nai?

+ Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, một trong 5 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó trọng tâm là hạ tầng giao đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai các kế hoạch, chương trình hành động để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, giai đoạn 2020-2025 Đồng Nai là đại công trường của cả nước với sân bay quốc tế Long Thành khởi công xây dựng năm 2023. Ngoài ra còn 7 tuyến cao tốc, vành đai theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài 282km. Đã đưa vào khai thác tuyến cao tốc là TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (năm 2023). Đang triển khai thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và đường Vành đai 3 TP.HCM. Còn lại 2 tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và đường Vành đai 4 sẽ phấn đấu khởi công trong năm 2025.

Ngoài ra, các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Theo đó, đã khởi công xây dựng dự án đường 25B, 25C, đường Lê Hồng Phong nối dài, đường ra cảng Phước An trên địa bàn huyện Nhơn Trạch; đường trục trung tâm và cầu Thống Nhất, đường ven sông Đồng Nai trên địa bàn TP Biên Hoà; hoàn thành đưa vào khai thác tuyến ĐT 763, ĐT 768, đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; chuẩn bị khởi công đoạn còn lại của đường 25B kết nối ra Quốc lộ 51, đường liên cảng tại huyện Nhơn Trạch; các tuyến ĐT 769, ĐT 769E, ĐT 770B, ĐT 773 cũng đang được khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để phục vụ cho kết nối sân bay Long Thành.

Bên cạnh đó, các dự án giao thông kết nối vùng cũng đang được triển khai thực hiện như cầu Bạch Đằng 2 kết nối với tỉnh Bình Dương đã cơ bản hoàn tất; cầu Phước An kết nối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khởi công xây dựng; cầu thay phà Cát Lái đang phối hợp với TP.HCM để sớm triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng trong lần đi kiểm tra dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành. Ảnh: VŨ HỘI.

Hạ tầng sẽ là đòn bẩy về nhiều mặt cho tỉnh

. Với những quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chắc chắn không còn bao lâu nữa Đồng Nai sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Bà có thể nhận định tiềm năng phát triển của Đồng Nai khi dự án trọng điểm giao thông kết nối khi đưa vào sử dụng?

+ Đồng Nai có những lợi thế rất lớn về hạ tầng giao thông như có 4 phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không. Tỉnh là một trong 4 địa phương được quy hoạch 02 sân bay; số km đường cao tốc đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Nghệ An.

Do đó, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào vận hành khai thác, các tuyến giao thông kết nối liên vùng, kết nối vùng, giao thông nội tỉnh được đầu tư hoàn chỉnh sẽ tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế của địa phương, trong đó chủ lực là ngành logistics vận chuyển hàng hoá hàng không, đường bộ, đường thuỷ.

Lợi thế về hạ tầng giao thông cũng tạo điều kiện rất lớn cho phát triển dịch vụ bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Đón đầu lợi thế về hạ tầng giao thông, quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã định hướng bổ sung 17 khu công nghiệp mở mới, cùng với 31 khu công nghiệp hiện hữu nâng tổng diện tích khu công nghiệp lên 18.623ha. Đồng Nai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng và diện tích khu công nghiệp.

Khi sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Biên Hoà, cảng Phước An, hệ thống đường cao tốc, vành đai, các tuyến giao thông kết nối với sân bay, cảng biển đi vào vận hành khai thác sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ hàng không, dịch vụ logicstics, dịch vụ hàng hải, công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, bất động sản sẽ phát triển vượt bậc, tạo điều kiện rất lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

. Để có được “bức tranh giao thông hoàn hảo”, trong thời gian tới Đồng Nai sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và có những điểm nghẽn. Vì vậy, để sớm khơi thông, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh có mong muốn và kiến nghị gì?

+ Để hoàn thành hệ thống giao thông theo quy hoạch, hoàn thiện “bức tranh giao thông hoàn hảo”, thời gian tới Đồng Nai sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn triển khai thực hiện dự án; công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông, nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án; cơ chế, chính sách về thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Do đó, tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét chấp thuận tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách tỉnh Đồng Nai từ 50% lên 65% từ 2025 để địa phương có đủ nguồn lực để bố trí vốn cho các dự án, công trình giao thông; cho phép địa phương để lại 100% nguồn vượt thu so với kế hoạch thu ngân sách được giao.

Đồng thời, xem xét điều chỉnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ngoài ngân sách, xử lý các vướng mắc đối với vật liệu san lấp cho các dự án.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai rất mong nhận được sự chung sức đồng lòng, ủng hộ, vì lợi ích chung của tỉnh, của đất nước đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, bị thu hồi đất, phải di dời để bàn giao mặt bằng cho các công trình, dự án giao thông trên địa bàn tỉnh.

. Xin cảm ơn bà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới