Tại buổi Tọa đàm “Xu thế dòng tiền và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2017” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand đã tổ chức ngày 16-12, ông Ngô Đình Hãn, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Long, đơn vị nối tiếng với dòng sản phẩm nhà vừa túi tiền (affordable housing), đánh giá tiềm năng nhà ở giá rẻ tại thị trường Việt Nam là không giới hạn. Các doanh nghiệp tham gia sẽ không lo ngại đầu ra do đáp ứng nhu cầu số đông và được sự hỗ trợ của chính phủ về mặt chính sách.
“Khó khăn đầu tư nhà giá rẻ là khó tích lũy quỹ đất phù hợp cho việc phát triển dòng sản phẩm này (quy mô đủ lớn, từ 1ha), vị trí kết nối giao thông thuận lợi, khoảng cách không quá xa trung tâm”, ông Hãn chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm làm nhà phân khúc này, ông Hãn cho rằng phải kiểm soát tối ưu đầu vào: các loại chi phí như từ thiết kế, thi công, quản lý giám sát, vận hành, bán hàng, marketing… bởi giá đầu ra của dòng sản phẩm này thường được xác lập với biên độ giao động gần như rất thấp.
Về vị trí dự án, hợp lý nhất là trong khoảng 10km – 12km – 15km, khoảng cách di chuyển về trung tâm khoảng 30 phút – 45 phút. Giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với khu vực có nhiều việc làm và tiện ích công cộng quan trọng.
Về thiết kế, nên phát triển các sản phẩm căn hộ có diện tích nhỏ, tổng giá trị hợp lý trong khả năng chi trả của khách hàng. Áp dụng thiết kế điển hình và nhân rộng mô hình, đảm bảo phù hợp nhu cầu của đại đa số khách hàng qua thông qua các nghiên cứu khảo sát.
Về xây dựng và quản lý dự án, ông Hãn cho rằng cần sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, sử dụng cấu kiện đúc sẵn (chiếm 70%). Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần rút ngắn thời gian phát triển, nhanh (Hồ sơ pháp lý), chủ động nguồn cung vật liệu xây dựng và chọn nhà thầu năng lực tốt.
Nhu cầu nhà giá rẻ cho người thu nhập trung bình, thấp vẫn rất lớn
Kiến nghị với cơ quan chức năng về các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ, ông Hãn cho rằng giảm thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất, giảm thủ tục cho doanh nghiệp…. là điều kiện quan trọng nhất để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào phân khúc nhà giá rẻ.
Vị này kiến nghị tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư các sản phẩm thuộc phân khúc này. Đối với người mua nhà, ông Hãn kiến nghị tiếp tục có gói tín dụng ưu đãi cho người mua nhà (như gói 30.000 tỉ đồng), đơn giản hóa đối tượng và thủ tục xét duyệt hồ sơ (đối với phân khúc nhà ở xã hội).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đưa ra cảnh báo, từ cuối năm 2015, hiệp hội thấy thị trường đang có dấu hiệu chững lại và có dấu hiệu xuất hiện rủi ro. Đó chính là sự lệch pha cung cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, bất động sản nghĩ dưỡng, lệch pha tín dụng ngân hàng vào một số doanh nghiệp lớn trong đó có bất động sản.
“Hiệp hội kiến nghị các doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm nhà ở có giá phù hợp với túi tiền. Sự tham gia của Vingroup trong thời gian gần đây vào phân khúc này sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực cho thị trường, tạo cơ hội có nhà cho người thu nhập thấp và tạo ra sự cân đối cho thị trường, hạn chế làn sóng đầu tư, đầu cơ”, ông Châu nói.
Đáng chú ý, ông Châu cho rằng trong năm 2017 chưa có bong bóng mà có thể sẽ theo xu thế chững lại như năm 2016. Mua bán sáp nhập doanh nghiệp cũng sẽ mạnh hơn trước đây. Hiện nay thành phố có 500 dự án tạm ngưng triển khai, đây là cơ hội rất lớn cho các hoạt động mua bán, dù năm 2017 dòng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản có thể giảm đi. Xu thế phát triển bất động sản xanh sẽ là xu hướng của tương lai.
Nhìn về thị trường bất động sản năm 2017, theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dự báo thị trường khả năng sẽ giảm nhiệt, quy mô sẽ giảm khá nhiều do việc đầu cơ suy giảm. Bất động sản sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi.
“Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành trong khi một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn. Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp: các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước áp dụng từ tháng 1-2017; áp lực xử lý nợ xấu dự tính vào khoảng 100.000 tỉ đồng nợ xấu. Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới”, ông Chung dự báo.