Động vật ngoại lai tràn lan

Trên thị trường, nhất là các cửa hàng bán cá cảnh ở TPHCM cũng như Hà Nội, hiện nay người dân có thể dễ dàng chọn mua gần cả trăm loại cá cảnh khác nhau, chủ yếu là cá có nguồn gốc ngoại nhập như dòng cá rồng, la hán, tai tượng, cá hổ... Trong đó có rất nhiều loài có thể gây hại.

Nhiều loài tôm, cá dữ
 
Tại TPHCM, gần đây xuất hiện loại tôm Red Swamp Crawfish, còn gọi là tôm hùm nước ngọt. Loại tôm này bắt nguồn từ Mỹ và Úc, có càng màu đỏ nên khi đưa vào VN còn được gọi là tôm càng đỏ. Tại nhiều quán ăn, loại tôm này được xem là món đặc sản vì... lạ nên có giá gần cả triệu đồng/kg.  
 
Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng nguồn lợi thủy sản, đây là loại tôm rất dễ nuôi ở vùng nước ngọt nên cách nay vài năm, nó đã xâm nhập VN, được nhiều người nuôi và gây giống bán khắp nơi. Loại tôm này có càng to, khỏe với vỏ dày cứng và rất hung dữ, ăn tạp (ăn cả hoa màu, lúa, kể cả các loại thủy sản). Chúng thường đào hang để trú ẩn nên dễ làm sụt lở đê điều, các công trình thủy lợi...

Do đặc tính hung dữ, phá hoại mùa màng cũng như hệ thống đê điều nên Bộ NN-PTNT đã đưa loại tôm này vào diện phải kiểm soát chặt; đơn vị nào muốn nhập phải xin phép bộ. Tuy nhiên, bằng nhiều con đường, loại tôm này vẫn được tuồn vào nước ta. Trong tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã kiểm tra, phát hiện một công ty trên địa bàn tỉnh vừa nhập về hàng chục ký tôm càng đỏ để gây giống nuôi trái phép...
 
Trên thị trường cá cảnh, gần đây cũng xuất hiện nhiều loại cá có tính hung dữ gây hại đến môi trường, trong đó có loại cá hổ (còn gọi là cá kim cương, cá răng) có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Loại cá này khi xuất hiện ở sông ngòi sẽ ăn thịt bất cứ loại cá nào chúng gặp.
 
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ cửa hàng bán cá cảnh trên phố Hàng Đậu, Ba Đình, Hà Nội, cho hay trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, cá cảnh VN hầu như thua trắng trên sân nhà và nhường đất lại cho các loại cá cảnh có nguồn gốc nước ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore... Để chọn mua cá cảnh từ nước ngoài hoặc có nguồn gốc ngoại lai cũng rất dễ dàng, chỉ cần lên trang web của các trang trại cá nước ngoài tại Singapore, Thái Lan hay tại TPHCM...
 
Và cả chuột gây bệnh
 
Theo TS Dương Minh Tú, Cục Bảo vệ Thực vật, bài học về tác hại của sinh vật ngoại lai hẳn chưa ai quên. Chẳng hạn, ốc bươu vàng sau khi được nhập vào nước ta đã phát tán nhanh chóng ra môi trường gây hại cho cây lúa cũng như phá vỡ hệ sinh thái; bọ cánh cứng gây hại cho dừa; bọ phấn thuốc lá (có nguồn gốc từ Ấn Độ) gây hại cho khoai lang, cà chua, khoai tây, đậu tương, xúp lơ... Mọt cứng đốt cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ gây hại cho nông-lâm nghiệp với mức độ hủy diệt cao... Nay có thêm nhiều loài mới nên nguy cơ xâm hại chắc chắn sẽ không nhỏ.
 
Cũng theo TS Dương Minh Tú, chuột hải ly có nguồn gốc từ Nam Mỹ có thể cung cấp nguồn thịt, da và lông để xuất khẩu nên nhiều người đã nhập loại chuột này vào VN. Nguồn lợi đâu chưa thấy, chỉ sau thời gian ngắn, chúng đã phát triển rất mạnh không chỉ gây hại nghiêm trọng cho mùa màng, môi trường mà còn truyền nhiễm một số loại bệnh nguy hiểm sang người.
 
Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học VN, những loài nguy hại này rất dễ thích nghi môi trường mới, phát triển nhanh chóng và nhất là tấn công, giết hại các loài vật bản địa. Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và  Tài nguyên sinh vật, những loài ngoại lai này xâm nhập nước ta qua con đường chính ngạch và cả tiểu ngạch, thậm chí nhập dưới dạng xách tay, nên rất khó kiểm soát. Một số loài còn có khả năng thụ tinh chéo làm rối loạn hệ thống gien các loài vật bản địa...
 
Các chuyên gia còn cho biết khi nhập những loài cá trê phi, ốc bươu vàng, chuột hải ly... về VN, các nhà nhập khẩu chỉ biết đến nguồn lợi mới mà chúng đem lại như cá to, rùa có màu sắc đẹp (làm cảnh) lại sinh sản nhanh... mà không chú ý đến những tác hại ghê gớm của chúng. Chẳng hạn rùa tai đỏ, hai bên tai có dải màu đỏ hoặc cam; mai có sọc xanh, vàng; yếm màu vàng tươi có chấm tròn màu đen... rất đẹp, nhưng khi chúng phát triển thì những màu sắc trên dần biến mất và trở nên xấu xí, lúc đó, nhiều người nuôi làm cảnh không còn thích nuôi nên thả ra môi trường. Loại rùa này tranh giành thức ăn, giao phối với rùa bản địa dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái, chưa kể rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn đối với người...
 

Theo NGUYỄN HẢI - THẾ DŨNG  (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm