Đốt vàng mã: Có thật sự cần thiết?

(PLO)- Người dân có thể thay việc đốt vàng mã bằng cách làm những việc phước thiện, tốt đẹp khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là các cơ sở thờ tự. Đặc biệt nhấn mạnh không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Bạn đọc ủng hộ bỏ đốt vàng mã

Nói về vấn đề trên, một số bạn đọc cho rằng việc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc, ô nhiễm không khí và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do vậy, bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng phối hợp với các cơ sở thờ tự để cùng tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã.

Bạn đọc Thành Đông chia sẻ: “Đốt vàng mã là một phong tục, tập quán có từ lâu của người Việt. Đáng tiếc đến nay lại bị biến tướng, trở thành một hủ tục gây nhiều lãng phí, làm mất đi giá trị, ý nghĩa đích thực. Ngày trước, người ta chỉ đốt ít giấy tiền, vàng bạc để tỏ lòng thành với các vị thần. Giờ đây, họ lại đua nhau mua nhà giấy, xe giấy, vàng mã chất đống rồi đốt. Cơ quan chức năng cần phải có quy định để hạn chế vấn đề này ở những nơi thờ tự, nhà dân… Vì việc đốt quá nhiều vàng mã sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ”.

đốt vàng mã
Người dân có thể thay việc đốt vàng mã bằng cách làm những việc phước thiện.
Ảnh: TRƯỜNG GIANG

“Vào các dịp cúng giỗ, cúng rằm, cúng 16…, tôi thường thấy một số nhà dân bày hết đồ mã ra đường đốt cho tiện. Chỉ gió thổi ngang qua là bụi giấy chưa cháy hết bay đầy đường. Việc này cũng gây nguy hiểm cho người đi đường. Theo tôi, đốt vàng mã trong các dịp cúng quảy thì nên ở mức tượng trưng, vừa phải, không nên đốt quá nhiều. Thay vì đốt vàng mã gây tốn kém, ẩn chứa nguy cơ cháy nổ thì chỉ nên chuẩn bị mâm cơm cúng tươm tất, thành tâm cầu nguyện là đã hiếu kính với ông bà, tổ tiên rồi” - bạn đọc Như Minh nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, bạn đọc Ý Lê Nguyễn bày tỏ: “Nhà tôi đã không đốt vàng mã 2-3 năm nay. Trước đây, tôi bỏ ra hơn 500.000 đồng để mua đồ mã về đốt cho người thân đã khuất trong đám giỗ. Được nhiều người khuyên nhủ và chỉ ra có thể sử dụng số tiền đó để giúp đỡ người nghèo thì tôi đã ngừng hẳn. Không đốt vàng mã là một việc làm hay và đúng đắn. Tôi mong sao mọi người sẽ hiểu đúng về ý nghĩa của việc đốt vàng mã”.

Đốt vàng mã không phải là truyền thống của Phật giáo

Trao đổi với PV, cư sĩ Thiện Đức, Ủy viên thường trực Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Trưởng Ban biên tập cổng thông tin Phật giáo Việt Nam, cho biết đốt vàng mã là phong tục từ nước ngoài, là tục lệ dân gian, không phải truyền thống của Phật giáo. Nhiều người, nhiều thế hệ nhầm lẫn đây là nghi lễ Phật giáo.

Cũng theo cư sĩ Thiện Đức, bản chất việc đốt vàng mã là biểu hiện của mê tín dị đoan. Người ta coi việc “trần sao âm vậy” nên đốt vàng mã để người âm có tiền tiêu, có phương tiện xài như người trần. Đây là quan điểm sai lầm, nếu bỏ đi thì không gây ảnh hưởng gì, chỉ đơn giản là bỏ một thói quen, một tập tục không tốt.

“Trước đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần thông bạch hướng dẫn Phật tử không đốt vàng mã để Tết an vui, văn minh, tiết kiệm. Tết tại tâm chứ không phải tại vàng mã” - cư sĩ Thiện Đức nhấn mạnh.

Đại đức - TS Thích Không Tú, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cho biết người dân cần nhận thức việc tri ân và báo ân đối với ông bà, tổ tiên, người đã khuất không chỉ có việc đốt vàng mã mà còn bằng nhiều việc khác, phương pháp khác mang tính chất lợi ích, thực tiễn và ý nghĩa hơn.

Người dân có thể thay việc đốt vàng mã bằng cách làm những việc phước thiện, tốt đẹp như san sẻ với người nghèo, người vô gia cư, làm việc thiện nguyện, làm từ thiện giúp đỡ người khác để lấy công đức, phước báu.

“Việc sử dụng vàng mã, các vật phẩm tâm linh một cách thái quá hay lạm dụng đã được các ban ngành, đoàn thể văn hóa lên tiếng. Đồng thời, các tôn giáo cũng lên tiếng về việc này” - Đại đức - TS Thích Không Tú nói.

Phường vận động các cơ sở thờ tự không bố trí điểm đốt vàng mã

Đại diện UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cho biết nhằm triển khai công tác PCCC vào thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phường đã ban hành kế hoạch và công văn liên quan đến vấn đề trên.

Hiện nay, trên địa bàn phường có 9 cơ sở thờ tự, gồm 4 chùa và 5 đình. Nhân dịp Tết Nguyên đán, UBND phường đã tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, đồng thời tuyên truyền các cơ sở thờ tự thực hiện tốt công điện của Thủ tướng.

Qua đó, UBND phường đã vận động các cơ sở thờ tự không bố trí điểm đốt vàng mã và tuyên truyền đến người dân khi đến viếng không mua vàng mã gây tốn kém, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn PCCC. Chỉ đạo công an phụ trách công tác PCCC hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống cháy nổ.

Ngoài ra, UBND phường còn phối hợp cùng khu phố tuyên truyền tại bản tin phường, Zalo hội nhóm nhằm vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, thay vào đó phường khuyến khích người dân làm nhiều việc có ích cho xã hội. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm