Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn: Có lợi ích nhóm không?

Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn sau một thời gian “án binh bất động” đã nóng trở lại sau khi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản đề nghị Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho phép HoREA và Tập đoàn Tuần Châu được trực tiếp báo cáo ý tưởng xây dựng dự án trong thời gian sớm nhất.

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.

Không có lợi ích nhóm

. Phóng viên: Thưa ông, lý do vì sao HoREA đề nghị được cùng trao đổi với lãnh đạo TP về dự án đường ven sông?

+ Ông Lê Hoàng Châu: Thật ra là văn bản này HoREA ban hành cách đây một tháng. Sau đó Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo UBND TP làm việc với HoREA để lắng nghe chi tiết ý tưởng này. UBND TP đã giao Sở KH&ĐT cùng nhiều sở, ngành khác tổ chức cuộc họp với HoREA và Tập đoàn Tuần Châu. Sau cuộc họp này, những ý kiến của chúng tôi sẽ được Sở KH&ĐT tổng hợp và báo cáo TP.

Tuy nhiên, tình hình đã có thay đổi khi mới đây Bộ GTVT và UBND TP đã thống nhất chủ trương làm hai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Lộc Ninh. Từ đó HoREA đã đề xuất được cập nhật dự án đại lộ ven sông Sài Gòn vào quy hoạch cao tốc của TP.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu (bìa phải) phát biểu tại buổi diễn đàn báo chí và doanh nghiệp. Ảnh: HTD

. Cách đây hai năm, Tuần Châu đã đề xuất ý tưởng thực hiện đại lộ ven sông Sài Gòn nhưng đến nay các cơ quan có thẩm quyền cho biết vẫn chưa chính thức nhận được các văn bản của tập đoàn này. Tuy nhiên, cũng từ ý tưởng này đã phát sinh cơn sốt đất và nhiều hệ lụy khác. Nay vấn đề này tiếp tục được xới lên trong khi bản thân Tuần Châu cũng chưa công bố những động thái của họ với dự án. Ông có cho rằng vấn đề này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản?

+ Đây cũng là một vấn nạn ở Việt Nam. Đúng ra giá trị bất động sản sẽ gia tăng theo thời gian và theo hạ tầng chứ không phải mới chỉ là ý tưởng như trên mà giá đất đã tăng cao. Ai là người đã tạo nên những cơn sốt ảo này? Đó chính là các đầu nậu và nhà đầu tư đón gió.

Riêng Tuần Châu, đến thời điểm này họ đã thuê hai đơn vị tư vấn và tiến hành khảo sát toàn tuyến đường ven sông Sài Gòn, đồng thời đã đầu tư kỹ lưỡng trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất dự án.

. Có ý kiến cho rằng ngay từ khi Tuần Châu manh nha ý tưởng này và cho đến bây giờ, HoREA đồng hành rất sát, thậm chí khá sốt sắng với dự án là có lợi ích nhóm?

 + Tôi khẳng định không bao giờ có chuyện này. Điều chúng tôi quan tâm nhất vẫn là lợi ích chung của TP và cộng đồng. Còn ai muốn suy diễn như thế nào là quyền của họ.

Trước đây đã có nhiều đề xuất của Tuần Châu mà HoREA cũng không đồng tình. Ở dự án đại lộ ven sông, chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng, song về hướng và tuyến thì cần phải xem xét lại. Ngoài ra, khi Tuần Châu đề xuất chỉ một mình doanh nghiệp (DN) này làm chủ đầu tư dự án và cuối cùng là đề nghị đổi 10.000 ha đất ở Củ Chi khi làm dự án thì quan điểm từ đầu đến cuối của HoREA là việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BT, đấu thầu công khai để chọn nhà đầu tư dự án.

Đề xuất cập nhật vào quy hoạch giao thông

. Thưa ông, sau khi TP đã có chủ trương làm hai tuyến cao tốc nêu trên, ý tưởng về dự án đường ven sông Sài Gòn có gì thay đổi không?

+ Theo đề xuất trước đây của Tuần Châu thì đại lộ ven sông sẽ chia thành hai đoạn: Từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Vàm Thuật sẽ là sáu làn xe; từ ngã ba đến Củ Chi là bốn làn xe và chỉ trong ranh địa giới hành chính của TP.HCM. Tuy nhiên, theo quy hoạch cao tốc thì toàn tuyến sẽ là sáu làn xe và cũng có thể nghiên cứu mở rộng ra
Bình Dương.

Ý tưởng đại lộ ven sông nếu trở thành một phần của cao tốc thì sẽ bổ sung một trục hướng tâm về phía Tây Bắc TP để phá thế độc đạo của QL22. Trục này được kết nối với QL22 bằng những đường ngang như tỉnh lộ 8, thêm một số đường ngang để kết nối đại lộ ven sông với QL22 và hệ thống trục lộ của Bình Dương lên Bình Phước. Điều này sẽ có tính lan tỏa, giúp phát triển cả khu vực Tây Bắc của TP.HCM bao gồm quận 12, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và các huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương). Phía Tây là qua huyện Đức Hòa (Long An) tạo nên trục giao thông về phía Tây Bắc, giải quyết được ách tắc giao thông trên QL22.

Theo tôi, ý tưởng này cần phải được cập nhật vào quy hoạch giao thông của TP để trở thành một dự án mời gọi đầu tư.

. Đến thời điểm này, quan điểm của Tuần Châu như thế nào?

 + Trước đó Tuần Châu từng đăng ký bản quyền ý tưởng này. Hiện nay phía tập đoàn cho biết họ sẽ cống hiến ý tưởng này cho TP, đồng thời cũng đã thay đổi một số ý định ban đầu như: Không đề xuất chỉ một mình DN này làm mà cho rằng cần phải huy động nguồn lực rất lớn từ các DN khác thì mới khả thi. Ngoài ra, Tuần Châu cũng không đề xuất đổi 10.000 ha đất như trước đây nữa. DN này có nguyện vọng có thể hỗ trợ TP làm quy hoạch 1/2.000, trên cơ sở đó TP mời gọi các nhà đầu tư.

. Xin cám ơn ông.

Vài nét về dự án đại lộ ven sông Sài Gòn

Đầu năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất thực hiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn bằng hình thức BT. Điểm đầu từ khu vực cầu Sài Gòn phía quận Bình Thạnh, hướng tuyến chủ yếu men theo bờ sông Sài Gòn qua các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn đến điểm cuối tại Bến Súc, huyện Củ Chi. Chiều dài khoảng 64 km, dự tính chiều rộng mặt đường đoạn qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp là sáu làn xe; đoạn qua quận 12 đến huyện Hóc Môn và Củ Chi lúc đầu dự tính bốn làn xe nhưng gần đây đưa lên sáu làn cho đồng bộ với đoạn qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Tốc độ lưu thông toàn tuyến 80-100 km/giờ.

Tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỉ đồng. Khi thực hiện, TP phải giao cho nhà đầu tư gần 12.400 ha, tương đương khoảng 5% diện tích TP.

KIÊN CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới