UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản nhằm đẩy mạnh triển khai và giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn TP, trong đó phê bình 25 đơn vị có tỉ lệ giải ngân bằng 0 trong quý I. Nhiều đơn vị bị “điểm mặt” như UBND các quận 4, 7, 8, Tân Phú; Quận ủy quận 1…
|
Thường trực HĐND TP giám sát dự án Trung tâm Y tế dự phòng quận 6. Ảnh: KC |
Dự án ách tắc vì chưa có mặt bằng
Quận 8 là một trong những địa phương bị chủ tịch TP phê bình vì có tỉ lệ giải ngân dự án đầu tư công bằng 0. Tại buổi giám sát của HĐND TP ngày 13-4, ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết: Nguyên nhân chậm giải ngân chủ yếu do vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhất là về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo ông Tú, có nhiều dự án khởi công trong quý I năm nay nhưng vướng GPMB nên vẫn giậm chân tại chỗ. Cụ thể như dự án xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 khởi công xây dựng vào ngày 2-2 nhưng hiện vẫn chưa bồi thường xong.
Hay dự án đường nối Chánh Hưng - rạch Sông Sảng: Đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình, hoàn tất các thủ tục để khởi công vào đầu tháng 4. Quận 8 cũng đã ban hành 77/78 quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng vẫn còn 13 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng.
Tại huyện Cần Giờ, trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 và 2022, huyện có 12 dự án có tỉ lệ giải ngân bằng 0% so với kế hoạch vốn giao. Cạnh đó, có 314 dự án chậm tiến độ theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025.
“Do các dự án vướng công tác bồi thường, GPMB dẫn đến không tiếp tục triển khai thi công nên không thể giải ngân” - ông Huỳnh Minh Quang, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cần Giờ, nói.
Là địa bàn có tỉ lệ giải ngân tới 99% vốn đầu tư công nhưng quận Bình Tân vẫn có tới 48 dự án chậm tiến độ. Lý giải về nghịch lý này, ông Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân, cho biết: Các dự án đều có chung nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng bồi thường, GPMB. Nhiều dự án thẩm quyền điều chỉnh quyết định đầu tư thuộc các sở, ngành chuyên môn nên UBND quận chưa chủ động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
“Vướng mắc chủ yếu của dự án liên quan đến bồi thường, GPMB, quận đã huy động cả hệ thống chính trị, ba tháng họp một lần về công tác này. Ngoài ra, khi gửi văn bản đến các sở, ngành, quận đều có đăng ký làm việc với các sở để tháo gỡ khó khăn” - ông Điệp cho biết.
“Vướng mắc chủ yếu của dự án liên quan đến bồi thường, GPMB, quận đã huy động cả hệ thống chính trị, ba tháng họp một lần về công tác này.”
Ông Huỳnh Khắc Điệp,
Bí thư Quận ủy quận Bình Tân
HĐND TP vào cuộc giám sát
Ngày 14-4, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đã có buổi giám sát tiến độ các dự án đầu tư công tại quận 6. Đây cũng là buổi giám sát cuối cùng đối với các địa phương gồm các quận 4, 6, 8; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ và TP Thủ Đức.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau buổi giám sát tại quận 6, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết sau Hội nghị Ban chấp hành ở kỳ họp thứ 20 HĐND TP, Thường vụ Thành ủy quyết tâm tăng cường giám sát để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là với các dự án trì trệ. “TP cũng có kế hoạch phân công các đồng chí Thường vụ Thành ủy đi giám sát về công tác đầu tư công ở các quận, huyện” - bà Lệ cho biết.
Nhắc đến văn bản của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phê bình 25 đơn vị có tỉ lệ giải ngân bằng 0, bà Lệ mong muốn các địa phương khẩn trương và tích cực hơn nữa trong việc giải ngân và đẩy nhanh tiến độ dự án.
“HĐND TP giám sát quận 6 là đơn vị cuối cùng trong kế hoạch của HĐND TP. Trong kế hoạch của Thường vụ Thành ủy đi giám sát cũng sẽ chọn các dự án lớn, trọng điểm để giám sát, cũng sẽ rơi vào những quận giải ngân kém, giải ngân 0 đồng…” - bà Lệ cho hay.•
Quận 6 được giao gần 450 tỉ đồng vốn đầu tư công
Theo báo cáo của quận 6 tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TP ngày 14-4, quận được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 73 dự án với tổng kế hoạch vốn là hơn 448,2 tỉ đồng. Trong đó, có 17 dự án chậm triển khai chủ yếu do vướng bồi thường, GPMB hoặc phải điều chỉnh dự án.