Đến nay UBND tỉnh Phú Yên đã giao phần lớn diện tích rừng phi lao phòng hộ dọc bờ biển phía bắc TP Tuy Hòa với chiều dài gần 10 km cho các dự án du lịch. Rừng phòng hộ này do lực lượng thanh niên, người dân địa phương trồng cách đây 30 năm để ngăn chặn sạt lở bờ biển, hạn chế cát tràn vào các khu dân cư, sau đó giao cho các hợp tác xã nông nghiệp quản lý.
Ồ ạt giao rừng
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, chỉ riêng khu vực ven biển dọc đường Độc Lập, TP Tuy Hòa hiện có hơn 10 dự án du lịch, chiếm gần 300 ha rừng. “Hầu hết dự án du lịch đã và đang triển khai dọc bờ biển phía bắc TP Tuy Hòa đều nằm trên diện tích rừng phòng hộ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các dự án bị tắc” - ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, thừa nhận.
Theo ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên), lâu nay tỉnh không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ khi giao cho các dự án du lịch. Khi giao rừng cho các dự án du lịch, tỉnh không lấy ý kiến của Sở NN&PTNT, Chi cục Lâm nghiệp cũng không được thông báo.
Một khu rừng phi lao phòng hộ trên 30 năm tuổi nằm trong một dự án du lịch ven biển TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị ngang nhiên đốn hạ. Ảnh: TẤN LỘC
“Theo quy định, khi muốn triển khai dự án trên diện tích rừng phòng hộ thì phải chuyển mục đích sử dụng. Do đó, những dự án du lịch đang nằm trên rừng phòng hộ hiện nay đều vi phạm” - ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, khẳng định.
Chủ rừng không hay biết
Ông Trần Đình Quang, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2 phường 9, TP Tuy Hòa, phản ánh: Phần lớn các dự án du lịch chỉ xây tường rào, chiếm đất rồi để đó. Từ khi giao cho các dự án, nhiều khu rừng phòng hộ trở thành vô chủ, không có người quản lý, bảo vệ. Nạn chặt phá cây rừng xảy ra tràn lan nhưng không có lực lượng chức năng nào ngăn chặn, xử lý.
Theo đề án quy hoạch chi tiết đường Độc Lập đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt, hệ số sử dụng đất xây dựng công trình đối với khu vực phía đông đường Độc Lập không được quá 5% diện tích cho thuê, khu vực phía tây không quá 40% diện tích và phải giữ nguyên hiện trạng rừng phòng hộ. Thế nhưng hiện nhiều khu rừng đã bị san phẳng bởi các dự án như khu du lịch Long Beach (73 ha), làng du lịch quốc tế ven biển TP Tuy Hòa (20 ha), khách sạn dịch vụ du lịch Hùng Dũng (22 ha), khu resort của Công ty Thuận Thảo (10 ha)… Riêng dự án làng du lịch quốc tế ven biển TP Tuy Hòa đã khiến gần 100 ha rừng phi lao bị chặt phá tràn lan.
“Nhiều chủ đầu tư ngang nhiên khai thác trắng rừng lấy gỗ bán ra ngoài. Để đối phó với cơ quan chức năng, họ nói chặt cây để triển khai dự án nhưng sau đó lại bỏ hoang đất trong nhiều năm. Hàng chục năm quản lý mấy trăm hecta rừng phòng hộ này, chúng tôi không dám chặt một cây. Bây giờ rừng mình trồng bị họ ngang nhiên chặt phá mà không làm gì được, đau lòng lắm! Nếu tỉnh cứ cho họ phá như thế này, hậu quả sẽ khó lường” - ông Trần Đình Quang nói.
Ông Biện Minh Tâm cho biết thêm: “Theo quy định, khi dự án triển khai trên diện tích rừng phòng hộ, muốn chặt bỏ một cây rừng nhà đầu tư phải hỏi ý kiến chủ rừng, sau đó chủ rừng xin phép Sở NN&PTNT. Nếu Sở đồng ý thì chủ rừng trực tiếp chặt chứ nhà đầu tư không được tự tiện phá bỏ”. Ngoài ra, theo quy định, nhà đầu tư phải có phương án trồng rừng thay thế diện tích đã chặt bỏ. Thế nhưng lâu nay chưa có một dự án du lịch ven biển nào ở Phú Yên thực hiện.
TẤN LỘC