Dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài ‘đứng hình’

Được động thổ từ tháng 10-2015, đoạn đường 2,7 km nối tuyến Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) dự định sẽ hoàn thành sau 20 tháng thi công. Nhưng đến nay, sau hơn 36 tháng, công trình vẫn còn ngổn ngang, manh mún.

Theo một cán bộ chỉ huy công trình, từ nhiều tháng qua Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh - chủ đầu tư dự án, nay đổi thành Tập đoàn Yên Khánh) không còn rót tiền để đơn vị thi công các hạng mục tiếp theo.

Công trình vắng tanh

Có mặt tại hiện trường công trình, PV thấy khu vực dạ cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ (QL) 1 được rào chắn để thi công hai nhánh hoa thị lên xuống cầu vượt này. Đây là hạng mục nằm ở điểm đầu của dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài. Theo bảng thông tin công trình thì hạng mục này sẽ được hoàn thành sau 12 tháng thi công nhưng đến nay, sau hơn 24 tháng, hai nhánh hoa thị thi công còn dở dang. “Hạng mục các nhánh hoa thị không bị vướng giải tỏa nhưng không được thi công từ hơn một năm qua và cũng không ai có mặt ở công trình” - một cán bộ Đội Thanh tra giao thông số 4 nói với chúng tôi.

Hạng mục nằm ở điểm cuối của dự án là cầu vượt Tân Kiên trên đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tên mới của đoạn này là Võ Trần Chí) cũng được khởi công từ hơn 24 tháng qua. Đến nay ở khu vực này cũng mới chỉ hoàn thành hai trụ cầu. Các nhánh rẽ phải, rẽ trái qua nút giao cũng mới được thi công từng đoạn ngắn, chưa liền mạch.

Hệ lụy kéo theo khi phần cầu vượt Tân Kiên thi công nửa vời là đường gom hai bên của đường Võ Trần Chí phải làm theo kiểu đứt đoạn. Được biết theo thỏa thuận giữa Sở GTVT TP và Công ty Yên Khánh, công ty này sẽ làm hoàn chỉnh nút giao Tân Kiên (gồm cả cầu vượt lẫn đoạn đường gom hai bên, dài khoảng 500 m nằm trong phạm vi nút giao) nhưng theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4, hơn một năm qua Khu 4 đã làm xong các đoạn đường gom đến trước và sau nút. “Nhưng do cầu vượt Tân Kiên, toàn bộ nút giao và hai đường gom hai bên nằm trong phạm vi nút này không được Yên Khánh thi công nên hơn 4 km đường gom hai bên không thể làm liền mạch” - ông Tuấn giải thích.

Nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 mới chỉ làm xong phần mố, chưa tiếp đất thì dừng thi công gần một năm nay. Ảnh: LƯU ĐỨC

Đứt nguồn “sữa”!

Tìm hiểu vì sao Công ty Yên Khánh không rót tiền làm tiếp dự án trên dù đã có mặt bằng, PV được biết: Từ năm 2013, Công ty Yên Khánh ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long - đơn vị được Bộ GTVT ủy quyền) về việc mua quyền thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) với giá trị của hợp đồng là 2.004 tỉ đồng. Thời hạn thu phí năm năm (đến 1-1-2019 thì kết thúc).

Theo hợp đồng, trong vòng 10 tháng Công ty Yên Khánh phải nộp vào ngân sách nhà nước đủ số tiền mua quyền thu phí 2.004 tỉ đồng theo ba đợt và kết thúc nộp đợt cuối cùng vào tháng 10-2014. Thực tế Công ty Yên Khánh thanh toán các đợt đều chậm, phải qua 15 đợt mới kết thúc đợt thanh toán cuối vào ngày 31-3-2017. Do chậm thanh toán theo hợp đồng nên Công ty Yên Khánh bị phạt 264 tỉ đồng.

Trong báo cáo mới đây của Bộ GTVT, bộ này cho biết số tiền phạt chậm thanh toán trên là khá lớn, khả năng rủi ro không thu hồi đủ số tiền phạt trên là rất lớn và có nguy cơ dẫn đến thất thoát.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, khẳng định số tiền 264 tỉ đồng phải được thu hồi về cho ngân sách và quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương của Công ty Yên Khánh sẽ chấm dứt từ 1-1-2019. Điều này đồng nghĩa nguồn “sữa” từ cao tốc để làm 2,7 km đường Võ Văn Kiệt nối dài bị… đứt.

Dù ông Đinh Ngọc Hệ đã lãnh án 12 năm tù và bà Vũ Thị Hoan bị bắt thì dự án 2,7 km đường Võ Văn Kiệt nối dài vẫn phải được Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh tiếp tục thực hiện vì hợp đồng thực hiện dự án vẫn còn hiệu lực.

Ông NGUYỄN VĂN TÁM, Phó Giám đốc  Sở GTVT TP.HCM 

Nhà đầu tư nói dự án vẫn tiếp tục

Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn do ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) làm giám đốc và Công ty Yên Khánh do bà Vũ Thị Hoan làm giám đốc là đối tác khăng khít tại rất nhiều dự án BOT, BT giao thông. Ở dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng (do liên danh Công ty Tuấn Lộc - Công ty Yên Khánh - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty Cổ phần Hoàng An - Công ty Cổ phần Đầu tư cầu đường CII làm chủ đầu tư), Công ty Yên Khánh nắm 30% cổ phần tại dự án này và Công ty Thái Sơn đã trúng thầu gói thầu số 1 của dự án.

Từ hơn một năm qua, bà Vũ Thị Hoan đã rút khỏi Công ty Yên Khánh (đại diện pháp luật mới là Trần Ngọc Lê). Cuối năm 2017, sau khi Út “trọc” bị bắt và mới đây bà Hoan cũng bị bắt trong vụ mua bán đất ở 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1 thì rộ lên thông tin dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài cũng sẽ… “đứt bóng”!

PV đã liên hệ ông Hoàng Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương (đơn vị do Công ty Yên Khánh lập ra để thực hiện dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài), để tìm câu trả lời. Ông Toàn giải thích do tình trạng mặt bằng còn manh mún, da beo nên đến nay toàn công trình vẫn chưa có lệnh khởi công. “Sau khi được bàn giao trên 80% mặt bằng sạch và có lệnh khởi công chính thức thì toàn bộ công trình sẽ thi công trong vòng 20 tháng là xong” - ông Toàn nói.

Tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồng

Tháng 10-2015, Công ty Yên Khánh động thổ làm đoạn đại lộ Võ Văn Kiệt nối dài 2,7 km, bắt đầu từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - QL1 đến điểm giao cắt với đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại khu vực Tân Tạo - Chợ Đệm (huyện Bình Chánh). Tuyến đường được đầu tư với tổng kinh phí 1.950 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Mặt cắt ngang hoàn chỉnh của tuyến đường là 60 m, bao gồm 10 làn xe.

Trong giai đoạn 1 sẽ làm hai đường song hành hai bên, mỗi bên rộng hơn 11 m cho một làn xe hỗn hợp và một làn ô tô. Cùng đó là hoàn thiện hai nhánh hoa thị của nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - QL1 và xây dựng mới nút giao khác mức Tân Kiên ở cuối tuyến với ba nhánh rẽ lên xuống, rẽ phải, rẽ trái vào đường dẫn cao tốc. Tổng kinh phí cho dự án (giai đoạn 1) là 1.557 tỉ đồng với thời gian xây dựng là 20 tháng. Nhưng gần một năm nay toàn bộ dự án gần như “đứng hình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm