Dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo tiến độ đến đâu?

(PLO)- Bộ Công thương đang lấy ý kiến các ngành, địa phương và sắp tới có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-7, tại hội nghị giao ban, cung cấp thông tin cho báo chí 6 tháng đầu năm 2022 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những trao đổi xoay quanh tiến độ dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo. Đây là vấn đề được người dân, cử tri địa phương rất quan tâm, mong chờ.

Theo ông Thôi, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo rất quan trọng và cấp thiết của tỉnh và rất cần thiết cho sự phát triển về mọi mặt của Côn Đảo trong thời gian tới.

Tỉnh đã họp các ngành để đánh giá toàn diện về sự cần thiết cũng như sự phù hợp về quy hoạch, tính pháp lý và thống nhất có văn bản kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư…

Hội nghị giao ban báo chí tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cung cấp các vấn đề nóng mà người dân, báo chí quan tâm. Ảnh:KT

Hội nghị giao ban báo chí tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cung cấp các vấn đề nóng mà người dân, báo chí quan tâm. Ảnh:KT

Gần đây nhất, ngày 20-4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn giao Bộ Công thương chủ trì thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Sau đó, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương có ý kiến.

Đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT, Tài Chính, Bộ KH&ĐT đã có ý kiến về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Sắp tới, Bộ Công thương sẽ tổng hợp có báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 4.950 tỉ đồng. Quy mô đầu tư là xây dựng mới đường dây 110kV, chiều dài khoảng 102,5km từ trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng ra trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư dự án này sẽ phối hợp với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khảo sát, lập, thẩm định trình báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế và thi công. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành, đóng điện đưa vào vận hành trước năm 2026.

Tuy nhiên, đây là tiến độ dự kiến, chưa tính đến những rủi ro, biến động do thi công trên biển có nhiều rủi ro.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao không sử dụng các phương án khác để cung cấp điện cho Côn Đảo mà lại chọn phương án kéo điện lưới quốc gia vượt biển như trên, ông Thôi cho biết về quy hoạch điện cho Côn Đảo tỉnh và trung ương đặt ra từ rất sớm.

Trong đó có nhiều phương án như điện lưới, điện diesel, khí hóa lỏng, điện năng lượng tái tạo tại chỗ (điện gió, điện mặt trời). Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn điện Diesel cho Côn Đảo có 9 tổ máy đang hoạt động nhưng không đáp ứng đủ.

Xét các phương án thì kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo là phù hợp, bền vững nhất-Ảnh một góc Côn Đảo: MC

Xét các phương án thì kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo là phù hợp, bền vững nhất-Ảnh một góc Côn Đảo: MC

Về điện gió tỉnh chỉ mới phê duyệt một dự án điện gió Côn Sơn nhưng hiện nay chậm tiến độ. Ngoài ra, dự án này không phải là dự án điện gió nối lưới nên theo quyết định 37 và 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam lại không được hỗ trợ cơ chế giá bán điện.

Vì vậy đặt ra vấn đề chỉ có kéo lưới điện từ đất liền ra mới đảm bảo mục đích nhu cầu phát triển lâu dài, bền vững cho Côn Đảo. Ngoài ra còn bảo vệ được rừng, hệ sinh thái tại Côn Đảo. Các dự án điện năng lượng tái tạo nếu thực hiện thì quỹ đất rất lớn trong khi đất ở Côn Đảo không nhiều. Nên cân đối nhiều mặt thì thấy phát triển điện lưới ra Côn Đảo là phù hợp.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu khi dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo hoàn thành đưa vào vận hành có khả năng xảy ra rủi ro, trục trặc về kỹ thuật thì vẫn tiếp tục duy trì phát điện bằng 9 tổ máy Diesel để dự phòng. Sau khi lưới điện đi vào ổn định thì sẽ dừng 9 tổ máy và để dùng vào dự phòng.

Quyết định số 37 năm 2011 và quyết định số 39 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ có nói về cơ chế giá bán điện gió nối lưới. Tuy nhiên, dự án điện gió Côn Sơn tại Côn Đảo mà tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư lại vừa chậm về tiến độ và cũng không phải điện gió nối lưới. Do đó không được hưởng giá bán điện theo quyết định trên.

“Đây là khó khăn của dự án. Hiện nay Bộ Công thương đang rà soát để điều chỉnh sao cho phù hợp không chỉ với các dự án điện gió tại Côn Đảo mà còn các dự án trong đất liền” - ông Thôi cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm