Ngày 29-8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết tại trụ sở Văn phòng Chính phủ vào ngày 28-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc thanh toán vốn cho Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế.
Theo đó, dự án Ngã Ba Huế đã được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, hoàn trả bằng tiền từ nguồn vốn bố trí cho Bộ GTVT từ năm 2017 đến năm 2020.
Do vậy việc hoàn trả cho dự án là nhiệm vụ của Ngân sách Trung ương.
Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 29-3-2015. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến nay dự án này vẫn chưa được Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT bố trí vốn để thanh toán trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.
Cầu vượt ngã ba Huế trong ngày khánh thành đi vào hoạt động năm 2015. Ảnh: PL
Trước đó, tại buổi làm việc với TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận "Giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương xem xét, bố trí nguồn vốn hoàn trả cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020".
Trên cơ sở phân tích những nội dung liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhất trí báo cáo Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét sử dụng 10% nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT để thanh toán hơn 600 tỉ đồng trong năm 2017 cho nhà đầu tư.
Số vốn còn lại thanh toán từ năm 2018 đến 2020 từ nguồn 10% dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ GTVT cân đối điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 để có vốn thanh toán cho dự án, đồng thời phải lập thủ tục bổ sung dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh ngày 23-3, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH BT ngã ba Huế Trung Nam thuộc Tập đoàn Trung Nam, đã có công văn gửi HĐND, UBND TP Đà Nẵng đề nghị được thanh toán hơn 2.050 tỉ đồng vốn đầu tư xây dựng cầu vượt ngã ba Huế.
Công ty này đề nghị UBND TP cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để chi trả cho dự án hoặc UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cho gia hạn thời gian thanh toán với lịch trình cụ thể, đưa vào kế hoạch Chính phủ. TP phải điều chỉnh lại phương án tài chính để công ty làm việc với Ngân hàng SHB xin giãn thời gian thanh toán nợ, tránh phát sinh nợ xấu cho công ty.
Theo ông Tiến, trường hợp xấu nhất, công ty kiến nghị cho phép thay đổi hình thức đầu tư dự án từ Xây dựng-chuyển giao (BT) sang hình thức Xây dựng-khai thác-chuyển giao (BOT).
Công ty này cũng cho biết sẽ lắp trạm thu phí giao thông tại tất cả các ngã lên cầu, xin phép TP cấm xe một số tuyến đường phù hợp để đảm bảo việc thu phí giao thông được thuận lợi, có như vậy thì mới hoàn trả lại nguồn vốn đầu tư dự án.