Dự án phim ngắn CJ mùa 4: 'Thằng bé bán kem' không được phổ biến

(PLO)- Tại bế mạc Dự án phim ngắn CJ mùa 4, có 4/5 dự án được công chiếu, còn dự án Thằng bé bán kem bị xếp loại không được phổ biến 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-12, cuộc thi Dự án phim ngắn CJ mùa 4 do CJ Cultural Foundation và CGV Việt Nam tổ chức đã chính thức bế mạc sau 8 tháng triển khai với việc trao giải cho 5 cá nhân xuất sắc.

Dự án phim ngắn
Hội đồng thẩm định của Dự án phim ngắn CJ (vắng Trịnh Đình Lê Minh). Ảnh: BTC

Hội đồng thẩm định của dự án gồm đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Trịnh Đình Lê Minh và Nguyễn Thanh Huy.

Dự án phim ngắn CJ chắp cánh cho đạo diễn trẻ

So với các năm trước, cuộc thi Dự án phim ngắn năm nay chỉ có một nhà làm phim nữ chiến thắng là đạo diễn Anh La với dự án Vùng trũng.

du-an-phim-ngan-cj.jpg
Nữ đạo diễn Anh La trên phim trường

Những cái tên thuộc 5 dự án phim ngắn xuất sắc nhất của chương trình năm nay là Anh em kiếp này (Vũ Hoàng Hiệp và Tuấn Lê), Tàn ngày rực rỡ (Lý Minh Bá), Rừng dịu dàng (Đoàn Sĩ Nguyên), và Thằng bé bán kem (Huỳnh Công Nhớ).

Đây là các dự án đã vượt qua hơn 400 hồ sơ đăng ký gửi về từ hơn 10 tỉnh thành khắp cả nước và nhận tài trợ 300 triệu/dự án.

du-an-phim-ngan-cj2.JPG

Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: "Dự án phim ngắn CJ đã chứng kiến nhiều tác phẩm ra đời, được lựa chọn trình chiếu và đoạt giải tại các liên hoan phim hàng đầu, trở thành bệ phóng cho sự nghiệp của nhiều đạo diễn trẻ tài năng như Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân, Lê Lâm Viên, Dương Diệu Linh...

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Dự án phim ngắn CJ mùa thứ 4 sẽ tiếp tục đạt được mục tiêu mang phim Việt đến các đấu trường điện ảnh quốc tế, cũng như chắp cánh cho các bạn trẻ trên con đường làm phim phía trước".

Tiếc nuối với dự án Thằng bé bán kem

Đối với 5 dự án được chọn, BTC sẽ tài trợ 1,5 tỷ đồng kinh phí làm phim. Bên cạnh đó 5 phim ngắn này sẽ được gửi đi tranh tài tại các liên hoan phim quốc tế uy tín trước khi trình chiếu rộng rãi đến khán giả.

Cũng tại bế mạc, các tác phẩm hoàn thành lần đầu tiên được trình chiếu. Tuy nhiên, chỉ có 4/5 dự án được công chiếu và dự án chưa được công chiếu là Thằng bé bán kem (Huỳnh Công Nhớ).

Nhìn chung các dự án phim ngắn đều đem đến một màu sắc khác nhau, nội dung táo bạo… Hầu hết các phim đều lấy bối cảnh núi rừng vùng Tây Bắc như Hà Giang, Sa Pa.

Nhận xét về 5 dự án chiến thắng, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: “Các dự án đều là những đề tài không dễ làm, không dễ tiếp cận và chúng ta rất ít khi gặp ở các bộ phim thương mại hiện nay.

Thậm chí, có những nhân vật, những người lao động không bao giờ gặp trên phim truyền hình hoặc các phim ra rạp. Họ chỉ xuất hiện trong những dự án của các nhà làm phim trẻ độc lập thế này”.

du-an-phim-ngan-cj3.jpg
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi dự án Thằng bé bán kem không được công chiếu. “Tôi nghĩ có vấn đề gì đó khiến cho dự án đang bị xếp loại không được phổ biến. Tôi nghĩ đoàn phim, nhà làm phim có động thái nào đó để phim có thể ra mắt” – nữ đạo diễn cho hay.

Đối với 4 bộ phim, nữ đạo diễn bày tỏ: "Tôi thích sự hồi hộp, tay nghề khá vững chắc của nhà làm phim Rừng dịu dàng, sự hài hước bình dân của phim Anh em kiếp này, sự nữ tính của đạo diễn Anh La phim Vùng trũng, và tiếng nói mới đến từ nhà làm phim Tàn ngày rực rỡ.

Tôi cảm thấy mình may mắn, vui mừng khi được nhìn thấy tác giả mới các tác giả trẻ, những người tài năng. Có thể hôm nay họ có những vấp váp trong dự án đầu tay nhưng với sự ủng hộ các bạn trẻ ấy có thể đi tiếp, bắt đầu với dự án phim dài".

Phim Tàn ngày rực rỡAnh em kiếp này đề cập những vấn đề của giới trẻ như gánh nặng trách nhiệm, loay hoay đi tìm lẽ sống.

Phim Rừng dịu dàng lên tiếng về lương tâm của con người khi vô tình gây ra tội ác thông qua hành trình của một bà mẹ đi vào rừng tìm đứa con bị tai nạn.

Phim Vùng trũng kể câu chuyện tình kỳ lạ giữa một phụ nữ ngoài 60 với một thanh niên, qua đó đề cập hủ tục ghê rợn ở vùng cao: chôn sống người già.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm