Chiều tối 14-12, dự án điện ảnh Kẻ ăn hồncủa đạo diễn Trần Hữu Tấn đã có buổi chiếu sớm tại TP.HCM.
Phim không bị ảnh hưởng nhiều sau chỉnh sửa
Tại buổi chiếu sớm, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã giao lưu với báo chí cũng như thông tin về dự án sau khi kiểm duyệt.
Theo đó, khi được hỏi về vấn đề phim chỉnh sửa ra sao sau khi được kiểm duyệt, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết đây là câu hỏi mình sợ nhất.
Thế nhưng, đạo diễn cũng thẳng thắn thông tin khi kiểm duyệt, hội đồng kiểm duyệt phim phải thẩm định đến 3 lần. Và phim có những điểm điều chỉnh liên quan đến yếu tố kinh dị, về con rối và các yếu tố khác.
Đối với yếu tố con rối, phía ê-kíp đã thay đổi bằng cách làm mờ, còn một số chi tiết cũng đã được cắt bớt.
Chia sẻ thêm với PLO, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: "Dự án có sự góp ý để chỉnh sửa và bản phim mà mọi người được xem là bản phim cuối cùng.
Thực ra những điểm chỉnh sửa này không đáng kể vì tiểu thuyết Kẻ ăn hồn sắp ra mắt của nhà văn Thảo Trang rất đồ sộ, nhiều tuyến nhân vật, hành trình trong đó.
Tôi và nhà sản xuất (NSX) Hoàng Quân quyết định chỉ nên chọn một tuyến chính đó là hành trình của cô Phong (Hoàng Hà đóng) để khán giả tập trung hơn vì trong 105 phút không thể nào truyền tải hết tác phẩm.
Sự chỉnh sửa đó không nằm trong kịch bản ban đầu nhưng sau khi xem lại, tôi thấy nó tốt, dễ hiểu hơn" – đạo diễn Trần Hữu Tấn nói.
Trước đó, Kẻ ăn hồn được ấn định ra mắt vào ngày 8-12, tuy nhiên trước một ngày phim ra mắt, phía NSX đã bất ngờ thông báo phim dời lịch chiếu.
Nhiều thông điệp nhưng vấn có bàn luận
Kẻ ăn hồn là dự án điện ảnh nằm trong vũ trụ làng Địa ngục được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang.
Phim được thực hiện bởi đạo diễn Trần Hữu Trấn và NSX Hoàng Quân. Đây cũng là cặp đôi tạo nên series Tết ở làng địa ngục liên tục dẫn đầu lượt xem trên Netflix thời gian qua.
Trước đó, nhà văn Thảo Trang khẳng định dự án nằm chung trong vũ trụ, không gian của làng địa ngục và nó xảy ra trước thời điểm câu chuyện Tết ở làng địa ngục diễn ra.
"Trong dự án này, khán giả sẽ thấy rất nhiều hình tượng bản địa. Cuối cùng cái ác sẽ tan biến và hình tượng văn hoá từ xa xưa đến bây giờ vẫn luôn tồn tại. Đó cũng là thông điệp mà phim muốn mang đến" – nhà văn Thảo Trang cho hay.
Sau khi ra mắt, phim đã nhận về những bình luận tích cực về thông điệp, cốt truyện hấp dẫn.
Tuy nhiên, phim vẫn có một số chi tiết khiến khán giả thắc mắc, bàn luận. Đặc biệt là thoại của nhân vật, một số người nói tiếng Bắc, một số lại nói tiếng Nam.
Bên cạnh đó là việc lồng tiếng không nhất quán. Diễn viên Lý Hồng Ân (vai Minh) thì lồng tiếng còn các diễn viên Huỳnh Thanh Trực (vai Khảm), Võ Điền Gia Huy (vai Sang) lại không lồng tiếng cho đồng bộ nhất quán trong ngôi làng phía Bắc.
Phản hồi về điều này, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, ngay trong nguyên tác Tết ở làng địa ngục, làng địa ngục là ngôi làng có cả người dân di cư Bắc, Nam vì vậy trong làng mặc định có những gia đình sẽ nói tiếng Bắc, có những gia đình sẽ nói tiếng Nam.
"Tôi cũng muốn chia sẻ luôn việc lồng tiếng luôn cho diễn viên Lý Hồng Ân (vai Minh) ở dự án này cũng là sự tiếp thu của tôi trước sự đánh giá, nhận xét sau khi xem series Tết ở làng địa ngục.
Trong gia đình bà Tám Kheo (NSND Chiều Xuân đóng) hai vợ chồng, em của Minh đều là người Bắc cũng nói giọng Bắc thì không thể nào có một cô chị là Minh nói giọng Nam được nên tôi và NSX Hoàng Quân quyết định lồng tiếng cho diễn viên Lý Hồng Ân.
Điều này tôi cũng có chia sẻ và xin phép Ân cho được làm điều này bởi vì nó sẽ được trọn vẹn hơn. Còn gia đình của cậu Sang và cậu Khảm nói tiếng Nam thì không cần phải lồng tiếng" – đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ.