Ngày 27-6, Ipsos Business Consulting-Công ty nghiên cứu toàn cầu Ipsos công bố về cung cầu thị trường heo Việt Nam tháng 7 năm 2019 đến đầu năm 2020.
Thị trường chăn nuôi heo Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với biến động do dịch lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi (ASF) gây ra. Tuy dịch bùng phát từ tháng 2-2019, ASF vẫn diễn biến một cách phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm.
Tính đến 24-6, ASF đã xuất hiện trên 60 tỉnh, thành cả nước với hơn 2,6 triệu con heo bị tiêu hủy. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân cung cầu thịt heo trên thị trường.
Ipsos ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm 6-2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp.
Song song với sự giảm mạnh về nguồn cung, trước tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, người tiêu dùng (NTD) lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe đã quyết định cắt giảm tiêu thụ thịt heo tạm thời.
Tuy nhu cầu có giảm nhưng vì nguồn cung giảm mạnh hơn nên cán cân vẫn không cân đối. Ipsos dự đoán cuối năm 2019 đến gần tết nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500 ngàn tấn thịt heo, chiếm gần 20% tổng nhu cầu.
Người tiêu dùng mua thịt heo tại cửa hàng thực phẩm cao cấp Vissan Premium.
Cũng theo Ipsos, một hướng đi mới cho thị trường là sự giảm mạnh đàn nái của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và xu hướng chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi khép kín. Dự đoán đến cuối năm 2019, đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.
Đây là một cơ hội cho ngành nông nghiệp trong việc đưa ra quy hoạch chăn nuôi theo vùng. Vừa kiểm soát các vấn đề môi trường vừa giảm thiểu rủi ro nếu có các dịch bệnh xảy ra, cùng lúc tạo ra một cơ chế giám sát chặt chẽ và kiểm soát ngành chăn nuôi heo.
Mối lo ngại của NTD về sự an toàn của nguồn thịt heo trong nước đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt heo nhập khẩu tăng cao. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam đã tăng vọt trong bốn tháng gần đây. Nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ Mỹ, Đức, Ba Lan, Pháp, Canada, Tây Ban Nha...
Khi các cơ sở chăn nuôi chưa dám tái đàn thì nguồn cung giảm đã đẩy giá thịt lên cao. Sau những biến động của ngành chăn nuôi, NTD ngày càng cảnh giác và khó tính hơn trong việc lựa chọn thịt heo. Do đó, các sản phẩm thịt heo thương hiệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, an toàn đang được đặc biệt quan tâm. Đây chính là nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thịt heo đầu tư mạnh vào các sản phẩm thịt thương hiệu, xây dựng niềm tin với NTD.
Thịt heo của các ông lớn tăng trưởng gấp ba Tuy chỉ chiếm chưa tới 5% trong trong tổng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2018, tỉ trọng của nhóm mặt hàng thịt heo có thương hiệu đã đạt mức tăng trưởng hơn ba lần trong giai đoạn 2013-2018, đạt 120 ngàn tấn vào năm 2018. Miếng bánh thị trường thịt heo thương hiệu tại Việt Nam tuy nhỏ nhưng lại vô cùng tiềm năng. Một vài ông lớn đã nhanh chân vào thị trường mới nổi này như CP, Masan hay Greenfeed... Xu hướng này sẽ góp phần làm giảm những ảnh hưởng do biến động của thị trường chăn nuôi lên thị trường tiêu thụ thịt heo. |