Đêm 11-1, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tấn công hàng chục mục tiêu do lực lượng Hồi giáo Houthis kiểm soát ở 28 địa điểm tại Yemen để trả đũa việc lực lượng này liên tục nã tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các tàu hàng di chuyển trên Biển Đỏ, theo đài CNN.
Theo đó, quân đội Mỹ và Anh đã dùng máy bay chiến đấu để ném bom cũng như phóng tên lửa bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk, từ các tàu chiến và tàu ngầm Mỹ vào các mục tiêu Houthis. Các mục tiêu này bao gồm các sở chỉ huy, kho đạn dược, các bệ phóng vũ khí, cơ sở sản xuất vũ khí và hệ thống radar phòng không có liên hệ với Houthis.
Việc Mỹ tấn công nằm trong dự tính của Houthis?
Theo các nhà nghiên cứu, các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu có thể nằm trong tính toán của Houthis và khó có thể ngăn chặn chiến dịch tấn công các tàu thương mại của nhóm này ở Biển Đỏ.
Bà Hannah Porter, nhà nghiên cứu cấp cao của công ty ARK Group (Anh) về phát triển quốc tế cho rằng “đây không phải là một tính toán sai lầm của Houthis” mà là mục tiêu của Houthis. Theo bà, nhóm này “hy vọng được chứng kiến cuộc chiến tranh khu vực lan rộng và mong muốn được đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến đó”, tờ The New York Times đưa tin.
Ông Abdullah Baabood, học giả cấp cao không thường trú tại Trung tâm Trung Đông Carnegie, cho rằng Houthis “tính toán rằng không có nhiều mục tiêu có giá trị mà Mỹ và Anh có thể tấn công” ở Yemen vì đất nước này vốn dĩ đã bị phá hủy trong các cuộc chiến trước đây. Do đó, Houthis sẽ không ngần ngại làm phép thử và leo thang xung đột.
Houthis đã lật đổ chính phủ Yemen ở thủ đô Sanaa để giành quyền lực vào năm 2014. Một liên minh quân sự ở khu vực, do Saudi Arabia dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn, đã phải vật lộn trong thập niên qua để đánh bại Houthis.
Liên minh quân sự do Saudi Arabia lãnh đạo này đã tiến hành chiến dịch ném bom nhắm vào Houthis trong nhiều năm. Điều này giúp Houthis có khả năng thích nghi và chịu đựng những cuộc không kích như Mỹ đã làm hôm 11-1.
Ông Ibrahim Jalal, học giả không thường trú tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Mỹ, cho rằng Houthis đã được trui rèn sau nhiều năm chiến tranh du kích ở Yemen và vượt qua nhiều năm không kích do Saudi Arabia dẫn đầu.
“Họ có rất ít địa điểm quân sự lâu dài, quy mô lớn mà thay vào đó sử dụng các bệ phóng di động cho rocket và máy bay không người lái cùng với mạng lưới đường hầm và hang động khiến việc nhắm mục tiêu vào lực lượng này trở nên rất phức tạp” - ông Jalal nói.
Bị Mỹ tấn công là cơ hội cho Houthis?
Ông Ibrahim Jalal, cho rằng các cuộc tấn công của Mỹ cũng có thể giúp ích cho Houthis về mặt chính trị trong nước, tạo ra cái cớ chống “kẻ thù nước ngoài” để đánh lạc hướng công chúng khỏi sự quản lý xã hội yếu kém của nhóm này.
Cùng ý kiến, bà Maysaa Shuja al-Deen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sanaa (Yemen), khi các cuộc tấn công của Houthis vào các tàu ở Biển Đỏ xảy ra thì hầu hết người dân nước này quay sang ủng hộ nhóm dù trước đây lên án sự quản lý về dịch vụ công của Houthis. Bà cho biết các cuộc tấn công của Houthis đã giúp ích cho việc tuyển dụng của nhóm này khi số lượng tân binh tăng vọt, đặc biệt là ở các khu vực phía bắc Yemen, theo tờ The Washington Post.
Cạnh đó, cuộc tấn công này đã mang lại cho Houthis cơ hội nâng cao vị thế của mình trong nhóm các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông, trong mắt người dân ở thế giới Ả Rập và xa hơn nữa là với những người phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza.
Bà Maysaa Shuja al-Deen cho biết kể từ khi Houthis bắt đầu là một phong trào thanh niên ở miền bắc Yemen cách đây nhiều thập niên, nhóm này đã hình dung mình không chỉ là một nhân tố mang tính địa phương mà có tham vọng trở thành một thế lực khu vực. Giờ đây, khi đối đầu trực tiếp với Mỹ và các đồng minh, mong muốn của Houthis đã thành hiện thực. Houthis đã chứng minh được khả năng tấn công các mục tiêu vượt xa biên giới của mình.
“Houthis đang đạt được những gì họ muốn, đó là tỏ ra là đấu thủ táo bạo nhất trong khu vực khi đối đầu với liên minh quốc tế mà phần lớn ủng hộ Israel và không quan tâm đến người dân ở Gaza… Điều này giúp họ có một số sự hỗ trợ, trên phạm vi quốc tế cũng như trong nội bộ” - ông Laurent Bonnefoy, nhà nghiên cứu nghiên cứu về Yemen tại viện nghiên cứu Sciences Po (Pháp).
Mỹ có ngăn được Houthis tấn công tàu ở Biển Đỏ?
Sau khi bị liên minh của Mỹ tấn công, nhân vật cấp cao Houthis - ông Mohammed al-Bukhaiti tuyên bố Yemen đã “sẵn sàng bước vào một cuộc chiến lâu dài sẽ thay đổi hướng đi của khu vực và thế giới”. Người phát ngôn lực lượng Houthis Yahya Saree cũng khẳng định cuộc tấn công này sẽ không ngăn được Houthis tiếp tục tấn công các tàu chở hàng và tàu chiến hộ tống các tàu này di chuyển trên Biển Đỏ.
Từ lâu, Houthis đã xây dựng tính chính danh của nhóm dựa trên sự thù địch đối với Mỹ và Israel và sự ủng hộ chính nghĩa cho người Palestine. Một phần tôn chỉ của nhóm này là “Nước Mỹ, Israel phải chết, nguyền rủa đối với người Do Thái”. Trước cuộc tấn công của Mỹ vào Houthis hôm 11-1, các lãnh đạo của nhóm tỏ ra sẵn sàng với viễn cảnh chiến tranh với Mỹ.
Học giả Porter cho rằng cho rằng Houthis đã quen với hoạt động trong môi trường thời chiến và thành công với tư cách là nhóm quân sự hơn là với tư cách một chính phủ. Do đó, các cuộc tấn công của Mỹ “rất khó có khả năng ngăn chặn Houthis tấn công tàu ở Biển Đỏ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết mục đích của cuộc tấn công là nhằm “làm gián đoạn và làm suy giảm khả năng của lực lượng Houthis”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thậm chí mục tiêu đó cũng khó đạt được.
Học giả Jalal cho rằng các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu phần lớn mang tính chiến thuật và mang tính biểu tượng” chứ không nghĩ rằng chúng có tác dụng răn đe. Theo ông Jalal, Houthis mất ít nhưng được nhiều khi cuộc chiến ở Gaza đã giúp nhóm này khẳng định mình là bên bảo vệ chính nghĩa của người Palestine trong khu vực, giành được sự ủng hộ của công chúng trong và ngoài nước, đồng thời đánh lạc hướng người dân khỏi sự bất mãn trong nước.