Đến nay, bốn địa phương có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua đã thông qua HĐND cùng cấp thống nhất bố trí vốn đầu tư để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Hơn 4.260 tỉ để giải phóng mặt bằng
Cụ thể, tại kỳ họp thứ năm (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa diễn ra, các đại biểu đã thống nhất thông Nghị quyết phân bổ vốn ngân sách địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết về bố trí vốn ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh). Ảnh: BT |
Theo đó, Cần Thơ dự kiến sử dụng hơn 1.060 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết để bồi thường GPMB cho dự án. Trong đó, năm 2022 sẽ bố trí 200 tỉ đồng và năm 2023 sẽ bố trí 861,5 tỉ để triển khai thực hiện.
Trước đó, ba tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng cũng đã thông qua HĐND tỉnh về vốn ngân sách địa phương dự kiến để bố trí cho công tác GPMB dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cụ thể:
- Tỉnh An Giang thống nhất chủ trương bố trí 1.380 từ kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 (nguồn vốn ngân sách địa phương) để tham gia thực hiện GPMB cho dự án đoạn qua địa bàn tỉnh. Trong đó, bố trí 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung và 380 tỉ còn lại từ việc giảm phần vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh.
- Hậu Giang thống nhất bố trí vốn đầu tư công, giai đoạn 2021-2025 để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đoạn qua địa bàn tỉnh với tỉ lệ 50%, tương ứng kinh phí dự kiến là 823,5 tỉ đồng. Trong trường hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng so với dự kiến thì bố trí theo cam kết tỉ lệ 50% để đảm bảo kinh phí thực hiện.
- Sóc Trăng dự kiến bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương 50% chi phí GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh với số tiền khoảng 1.000 tỉ đồng, trong đó, năm 2022 là 250 tỉ đồng và năm 2023 là 750 tỉ đồng. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư, Sóc Trăng cam kết sẽ có trách nhiệm bố trí đủ số vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương hoặc từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chia thành bốn dự án thành phần để thuận lợi phân cấp
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án cao Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự án có tổng chiều dài tuyến hơn 188 km, trong đó đoạn tuyến qua tỉnh An Giang là 56,7 km, TP Cần Thơ là 37,7km, tỉnh Hậu Giang là 37,7km và tỉnh Sóc Trăng là 56,1km.
Dự án cao Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). |
Để thuận lợi việc phân cấp cho các địa phương, Chính phủ đã xây dựng một số nguyên tắc phân chia dự án, từ đó, phân chia thành bốn dự án thành phần.
Theo đó, dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 57,2 km, qua địa bàn tỉnh An Giang và TP Cần Thơ, sơ bộ tổng mức đầu tư gần 13.800 tỉ đồng. Dự án thành phần 2 với chiều dài khoảng 37,2 km thuộc địa bàn TP Cần Thơ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3 với chiều dài khoảng 36,9 km, thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỉ đồng. Dự án thành phần 4 với chiều dài khoảng 56,9 km, qua địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỉ đồng.
Theo thiết kế, giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 44.690 tỉ đồng, quy mô bốn làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Theo ước tính, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.205 ha (diện tích đất trồng lúa khoảng 860 ha), với khoảng 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng (khoảng 1.075 hộ phải tái định cư).
Trong chuyến khảo sát thực địa mới đây, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý đơn vị thực hiện dự án và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần phải lên kế hoạch để dự phòng vấn đề nguồn cát.
Cạnh đó, cần lên phương án sẵn sàng cho công tác GPMB, tái định cư sao cho khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể triển khai thực hiện dự án ngay.
Đặc biệt, trong GPMB cần có phương án triển khai thỏa đáng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, tạo sự thống nhất giữa các địa phương trong áp giá bồi thường, tránh xảy ra khiếu nại.