Dự kiến năm 2027 khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thay vì phân kỳ đầu tư như trước đây, mục đích đưa dự án vào khai thác trong năm 2035.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sau cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, diễn ra ngày 25-9.

Phải chứng minh sự cần thiết không phân kỳ đầu tư

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, tận dụng tối đa nội dung của đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lưu ý rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bộ GTVT cũng cần làm rõ những ý kiến của các bộ, cơ quan, địa phương và các chuyên gia trong lĩnh vực này để bảo đảm đồng thuận, thống nhất cao cả hệ thống chính trị, nhân dân trước khi trình Quốc hội.

Để làm được như vậy, lãnh đạo Chính phủ lưu ý Bộ GTVT báo cáo rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h và giải trình rõ hơn lý do không lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h. Bổ sung rõ các luận cứ để chứng minh cần thiết phải xây dựng toàn bộ tuyến, không phân kỳ theo từng đoạn như kết luận trước đây của Bộ Chính trị.

Dự án đường sắt tốc độ cao dự kiến sẽ triển khai trong 8 năm.
Dự án đường sắt tốc độ cao dự kiến sẽ triển khai xây dựng trong 8 năm. Ảnh minh họa

Bộ GTVT cũng cần nêu quan điểm vận tải hành khách là chủ yếu, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, thông qua phương án khai thác, điều độ tàu.

Thêm vào đó, cơ quan xây dựng dự án cần phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế dựa trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; có cơ chế chính sách đặc thù để huy động vốn, tổ chức thực hiện dự án và kêu gọi các thành phần khác tham gia đầu tư một số hạng mục dự án.

“Về đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án cần xem xét hiệu quả tổng thể của nền kinh tế khi có đường sắt tốc độ cao và đánh giá hiệu quả vận hành khai thác dự án…”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, việc phát triển đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, độc lập tự chủ để hình thành một ngành công nghiệp đường sắt nói chung, gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia.

Về hướng tuyến, cơ quan nghiên cứu cần đưa ra hướng thẳng nhất có thể.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ xây dựng xem xét đề xuất đề án về phát triển ngành xây dựng đường sắt Việt Nam, trong đó lựa chọn một số doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Bộ Công Thương nghiên cứu xem xét đề xuất đề án phát triển công nghiệp liên quan cơ khí, chế tạo cho ngành đường sắt.

Trình Quốc hội thông qua chủ trương vào cuối năm nay

Về nguồn nhân lực, lãnh đạo Chính phủ đề nghị phải tính toán đi trước một bước. Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu xem xét đề xuất đề án phát triển nguồn nhân lực để tiếp nhận công nghệ từ xây dựng phát triển hạ tầng, cơ khí, chế tạo, quản lý khai thác và điều hành…

Cạnh đó, đề xuất cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tham gia tiếp nhận, nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí, chế tạo, tự động hóa…

Về tiến độ dự án, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ đạo Hội đồng thẩm định Nhà nước triển khai, hoàn tất việc thẩm định theo quy định. Báo cáo trình Chính phủ trước ngày 5-10, để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.

Trước đó, Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc thiết kế 350km/h, đường đôi khổ 1.435m, điện khí hoá.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỉ USD, tương đương suất đầu tư 43,7 triệu USD/km. Đây là mức phí trung bình so với các quốc gia đầu tư đường sắt tốc độ cao ở thời điểm hiện tại.

Về phương án đầu tư, Bộ GTVT cho biết đã phân tích hai phương án và lựa chọn đầu tư toàn tuyến để cơ bản hoàn thành trong năm 2035. Cụ thể, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM khởi công năm 2027, đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028. Đây được xem là thay đổi lớn của cơ quan nghiên cứu, bởi các đề xuất trước đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2045.

Vốn đầu tư dự án được Bộ GTVT đề xuất lấy từ ngân sách Nhà nước, gồm vốn trung ương và góp của địa phương, vốn huy động chi phí thấp và ít ràng buộc. Trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga, đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm